5 yếu tố tạo nên kịch bản tồi tệ của giá dầu

Giá dầu thế giới đang lao dốc không phanh, xuống dưới mức 30 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 12/2003.
5 yếu tố tạo nên kịch bản tồi tệ của giá dầu

Giá dầu thế giới đã lao dốc xuống dưới 30 USD/thùng vào ngày hôm qua lần đầu tiên kể từ tháng 12/2003. Như vậy, giá dầu thô đã sụt giảm tổng cộng tới 19% riêng trong năm nay. Tồi tệ hơn nữa so với mức cao nhất vào tháng 6/2014 là 108 USD/thùng, giá dầu đã sụt giảm tới 72%.

Một chuyên gia phân tích của Barclays nhận định: “Tình huống này cho thấy thị trường dầu mỏ đang tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì mọi người từng nghĩ”. 

Dĩ nhiên đây là thông tin tốt đối với những người tiêu dùng nói chung. Tại Mỹ, giá xăng dầu đã giảm xuống dưới 1,97 USD/1 gallon trong tuần này so với mức 3,68 USD/1 gallon vào 18 tháng trước đó. 

Vậy chuyện gì đang xảy ra với giá dầu? Vì đâu nó sụt giảm mạnh tới vậy, liệu có còn giảm sâu hơn nữa hay không? 

OPEC hỗn loạn 

Giá dầu ban đầu có dấu hiệu hồi phục vào thứ 3 sau khi nhà lãnh đạo các công ty dầu mỏ của Nigeria và chủ tịch OPEC là Emmanuel Kachikwu trả lời phỏng vấn với tờ CNN rằng liên minh dầu mỏ đang cân nhắc tới việc tổ chức một cuộc họp khẩn cấp. Điều này làm dấy lên hy vọng OPEC có thể đi tới quyết định cắt giảm nguồn cung mà những quốc gia như Nigeria đang rất mong muốn. 

Tuy nhiên, Ả rập Saudi đã nhanh chóng làm vụt tắt hy vọng này khi nói rằng chiến lược hiện tại vẫn đang có hiệu quả. 

Những động thái không rõ ràng giữa các thành viên OPEC cho thấy sự rạn nứt sâu sắc trong nội bộ, gây ảnh hưởng đến cơ hội rất ít ỏi của việc liên minh này sẽ cắt giảm sản lượng đầu ra. 

Ngân hàng Barclays đã gọi đây là “Sự đổ vỡ của OPEC”. 

Trung Quốc 

Những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc không chỉ nằm ở thị trường chứng khoán. Nếu kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm hơn so với những gì các nhà đầu tư nghĩ thì điều đó có nghĩa là họ cũng sẽ cần ít dầu mỏ hơn. 

Đây là suy nghĩ cực kỳ đáng lo ngại với những ai đang hy vọng thị trường dầu mỏ sẽ sớm hồi phục trở lại. 

Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ 

Không thể phủ nhận giá dầu sụt giảm mạnh một phần là do thừa nguồn cung và sự bùng nổ của dầu đá phiến. 

Nguồn cung dầu của Mỹ vẫn chưa đạt đến đỉnh cao như nhiều người nghĩ. Sản lượng của quốc gia này đạt trung bình 9,35 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 10, chỉ giảm rất ít so với mức cao nhất vào hồi tháng tư là 9,7 triệu thùng theo số liệu của chính phủ. 

Điều ngày gây tổn thương nghiêm trọng tới giá dầu bởi sản lượng của Mỹ cần phải giảm xuống để xóa bỏ tình trạng nguồn cung dồi dào như hiện tại. 

“Thị trường đã mất niềm tin khi cho rằng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ nhanh chóng sụt giảm và bắt đầu quá trình tái cân bằng trên thị trường toàn cầu”. 

Iran 

Iran đang góp phần khiến tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường dầu mỏ trở nên nghiêm trọng hơn. 

Quốc gia này đang trong tiến trình thực hiện nghĩ vụ của mình để được giảm các đòn trừng phạt trong thỏa thuận với phương Tây. Chính vì vậy rất có thể Iran sẽ quay trở lại thị trường sớm hơn vào tháng này hoặc tháng 2 tới. 

Đến nay, sản lượng dầu mỏ của Iran có bao nhiêu và họ có thể cung cấp ra thị trường số lượng như thế nào vẫn là một bí ẩn lớn. Tuy nhiên, dường như nước này sẽ không có ý định rút lui dù giá dầu tiếp tục lao dốc. 

Đồng USD mạnh

Dầu thô hiện được giao dịch bằng đồng đôla Mỹ. Điều này có nghĩa là khi đồng USD mạnh hơn, đối với các quốc giá khác ngoài Mỹ, giá dầu sẽ trở nên đắt đỏ hơn. 

Điều này lý giải tại sao Morgan Stanley đã cảnh báo rằng đồng USD mạnh lên có thể khiến giá dầu giảm sâu hơn nữa, xuống dưới mức 20 USD/thùng. 

Dù giá dầu rẻ là một tín hiệu đáng mừng với người tiêu dùng Mỹ nhưng nó lại là tin không vui đối với thị trường chứng khoán. Cổ phiếu các công ty năng lượng thuộc S&P 500 đã giảm 10% trong năm nay trong khi những công ty dầu mỏ như Marthon Oil và Anadarko Petroleum thậm chí chứng kiến mức giảm 20%. 

Chuyên đề