Giá dầu giảm 1 USD/thùng, PVN giảm doanh thu 5.400 tỉ đồng

Giá dầu thế giới ngày 12-1 giảm còn khoảng 30 USD/thùng - mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua. Giá dầu giảm tác động đến kinh tế VN ra sao khi nhiều dự đoán giá dầu giảm xuống chỉ còn 20 USD/thùng trong thời gian tới?
Đồ họa: Tấn Đạt
Đồ họa: Tấn Đạt

Reuters dẫn lời giới chuyên gia cho biết dữ liệu cho thấy nhiều nhà giao dịch trên thị trường đang dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục giảm do nhu cầu thế giới chậm và các thị trường tài chính tiền tệ của Trung Quốc đang không ổn định.

Trên thị trường chứng khoán VN, các cổ phiếu dầu khí trong ngày 12-1 tiếp tục giảm mạnh. Chỉ trong phiên sáng, PVC giảm tới 600 đồng xuống còn 13.100 đồng/cổ phiếu, PVS giảm 300 đồng xuống 14.500 đồng/cổ phiếu...

Thông tin giá dầu giảm sâu chỉ làm lo lắng cho các quốc gia nào có duy nhất giá dầu làm vũ khí để tăng trưởng. Còn đối với VN không có gì đáng ngại cả, ngoại trừ các doanh nghiệp dầu khíGS Trần Ngọc Thơ

Ngành dầu khí “muôn vàn khó khăn”

Đó là chia sẻ của ông Lê Minh Hồng - phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) - trước tác động của giá dầu thế giới giảm mạnh.

Trước đó, ông Nguyễn Quốc Khánh, tổng giám đốc PVN, cho biết nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng thì doanh thu toàn PVN giảm tới 5.400 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm 1.500 tỉ đồng và lợi nhuận hợp nhất sau thuế giảm 560 tỉ đồng.

Giá dầu giảm thực tế đã tác động mạnh đến cả những đơn vị dẫn đầu của ngành dầu khí VN như Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), đơn vị tiên phong và chủ chốt của PVN cũng như của VN trong việc khai thác dầu thô nhiều năm liền; hay liên doanh giữa VN và Nga Vietsovpetro - được coi là đơn vị mạnh với sản lượng khai thác và bán dầu cả tỉ USD/năm.

Lãnh đạo của PVEP cho hay dù tổng kết năm 2014 đã đề ra chính sách “thắt lưng buộc bụng” nhưng năm 2015 cơ bản không có lãi.

Còn ông Từ Thành Nghĩa, tổng giám đốc Vietsovpetro, công nhận đơn vị này đã gặp “khó khăn nhất trong lịch sử liên doanh”.

Năm 2015, đơn vị này đã cắt giảm chi phí, giảm thuê ngoài, giãn tiến độ dự án chưa thật cần thiết, thậm chí đóng một số giàn giếng khai thác dầu chi phí sản xuất cao nhưng Vietsovpetro vẫn mất cân đối về tài chính hơn 200 triệu USD.

Theo PVN, giá thành dầu khai thác của tập đoàn này trung bình là 24,4 USD/thùng, nếu giá dầu thô xuống tới mức 20 USD/thùng theo dự báo thì chắc chắn những “chấn động” không nhỏ sẽ đến với ngành dầu khí và với ngân sách quốc gia.

Ông Lê Minh Hồng đánh giá với giá dầu thế giới khoảng 30 USD/thùng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của PVN sẽ kém đi, đặc biệt là khâu tìm kiếm thăm dò dầu khí.

PVN đã đề ra các giải pháp để ứng phó trước khả năng giá dầu giảm mạnh hơn, trong đó nhấn mạnh PVN sẽ hoàn thành đúng tiến độ các dự án đang triển khai không để chậm tiến độ khiến phát sinh thêm chi phí, tăng tối đa sản xuất chế biến các sản phẩm thế mạnh của tập đoàn như xăng dầu, sản xuất điện, đạm để bù đắp doanh thu. Đặc biệt, PVN đã có kế hoạch cắt giảm các chi phí 10-20% ở tập đoàn và các đơn vị thành viên tập đoàn...

Nhiều mặt hàng giảm giá nhờ dầu

Giá dầu giảm sẽ làm chi phí sản xuất và giá bán nhiều mặt hàng giảm xuống trong thời gian tới.

Theo các công ty sản xuất phân bón, đầu vào sản xuất phân đạm là từ khí tự nhiên, trong khi đơn giá của khí này được tính căn cứ trên giá dầu nên giá dầu càng giảm thì giá phân bón cũng sẽ giảm theo.

Ông Dương Trí Hội, phó tổng giám đốc phụ trách bán hàng Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo), cho biết trong sản xuất phân urê, giá khí chiếm gần 70% giá thành, do đó giá thành sản xuất phân bón cũng giảm mạnh khi giá dầu thô trên thế giới giảm còn 30 USD/thùng.

Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đang đứng trước áp lực phải giảm giá không chỉ do giá dầu giảm mà còn do hàng nhập khẩu giá rẻ có nguy cơ đổ về và sản xuất trong nước đã vượt nhu cầu.

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh phân bón tại TP.HCM cho hay giá phân urê của các nước sản xuất lớn như Nga, Trung Đông hiện chỉ còn 205-210 USD/tấn, cộng với phí vận chuyển và thuế về đến cảng VN thì ở mức 250-260 USD/tấn, tức khoảng 5.600-5.700 đồng/kg.

“Nếu giá dầu thô tiếp tục giảm thì giá phân bón trong nước sẽ còn giảm thời gian tới” - vị giám đốc này cho biết.

GS Trần Ngọc Thơ, trưởng khoa tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng giá dầu sẽ tác động tới bốn vấn đề kinh tế vĩ mô chính là lạm phát, tăng trưởng kinh tế, thâm hụt ngân sách và việc làm.

Tùy theo giá dầu ở ngưỡng nào thì tác động của nó sẽ có những ảnh hưởng khác nhau. Chẳng hạn nếu giá dầu thấp dưới 30 USD/thùng, ngoài thu ngân sách giảm, các biến số còn lại đều có tác động rất thuận lợi đến tăng trưởng, giảm lạm phát và tạo ra nhiều việc làm hơn.

Giảm thu từ dầu, tăng thu từ thuế

Theo Bộ Tài chính, năm 2014 số thu từ dầu còn chiếm gần 11% tổng thu ngân sách, nhưng năm 2015 tỉ lệ này đã giảm còn 6%.

Với giá dầu thế giới dự báo giảm sâu, Bộ Tài chính đã xây dựng các phương án rất cụ thể, không chỉ là những kịch bản cho giá dầu ở mức 50, 45 và cả 35 USD/thùng, thậm chí 30 USD/thùng cũng đã được tính toán đến.

Thu từ dầu thô đã không còn là nguồn có tỉ trọng lớn như 5-10 năm trước. Để bù đắp số thu từ dầu thô, Bộ Tài chính cho hay sẽ phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu mức cao nhất.

Dự kiến năm 2016, VN sẽ nhập khẩu 12,5-13 triệu tấn xăng dầu. Giá xăng dầu giảm khiến giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất sẽ hạ. Khi đó, tình hình kinh doanh, làm ăn của doanh nghiệp và người dân sẽ thuận lợi hơn, thuế thu từ nội bộ nền kinh tế sẽ tăng lên, ngân sách càng hưởng lợi. 

Nhà máy lọc dầu: chỉ có tác động ngắn hạn

Ông Nguyễn Hoài Giang, chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn, cho rằng giá dầu thế giới giảm chủ yếu ảnh hưởng đến các công ty thăm dò khai thác và xuất bán dầu thô.

Còn đối với các công ty chế biến và sản xuất dầu như Nhà máy lọc dầu Dung Quất thì việc giảm giá dầu thô chỉ có tác động ngắn hạn, còn dài hạn không có tác động xấu. Tác động ngắn hạn ở đây là tồn kho dầu thô và tồn kho sản phẩm xăng dầu lọc ra ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Ngoài ra, ông Giang còn khẳng định nếu giá dầu thế giới xuống thấp hẳn rồi và ổn định thì không còn giảm giá hàng tồn kho nữa.

Thậm chí còn có tác động tích cực và kích cầu, bởi khi dầu thô giảm giá dẫn đến một loạt sản phẩm hóa dầu, xăng dầu đầu ra giảm theo. Điều này tạo ra sự kích cầu, người dân sẽ được hưởng lợi từ sản phẩm lọc hóa dầu làm ra với giá rẻ hơn nhờ vào giá dầu thô thế giới giảm.

“Nếu như thời điểm này Nhà máy lọc dầu Dung Quất phát triển được một số dự án vệ tinh hóa dầu sẵn rồi thì chúng ta còn hưởng lợi từ giá dầu thế giới giảm nhiều hơn” - ông Giang nói.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư