Xây cầu Thủ Thiêm 4: Quỹ đất nào thanh toán cho nhà đầu tư?

(BĐT) - Trong một văn bản giải trình bổ sung việc đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 mới đây, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố được quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án này theo hình thức hợp đồng BT.
Quỹ đất dùng để cân đối thanh toán hợp đồng BT cho Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 sẽ được rà soát tính pháp lý. Ảnh: Lê Tiên
Quỹ đất dùng để cân đối thanh toán hợp đồng BT cho Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 sẽ được rà soát tính pháp lý. Ảnh: Lê Tiên

Đến thời điểm này, mọi phương án triển khai Dự án đã được hoạch định, trong đó 11 lô đất của Thành phố với giá trị hơn 3.200 tỷ đồng dự kiến sẽ được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư.

11 lô đất để thanh toán chi phí xây lắp và thiết bị

Theo UBND TP.HCM, căn cứ Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT và Thông tư số 183/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT, Thành phố sẽ đảm bảo thanh toán chi phí đầu tư Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 cho nhà đầu tư bằng giá trị quyền sử dụng đất của quỹ đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và quỹ đất tại các vị trí khác trên địa bàn Thành phố.

Đối với đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP.HCM dự kiến quỹ đất để cân đối thanh toán cho phần chi phí xây lắp và thiết bị của Dự án bao gồm 11 lô đất thuộc Khu chức năng số 3 và số 4. Theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm được duyệt, 11 lô đất nói trên có tổng diện tích đất phát triển dự án khoảng 99.904m2. Giá trị quyền sử dụng của 11 lô đất nêu trên ước tính có thể đủ để cân đối thanh toán phần chi phí xây lắp và thiết bị của Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, tương đương khoảng 3.201,15 tỷ đồng.

Riêng quỹ đất để cân đối thanh toán cho phần kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng ở phía Quận 7 và các chi phí khác, TP.HCM dự kiến sẽ hoán đổi khu đất tại số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, diện tích 1.186,3m2; khu đất tại số 1310 Kha Vạn Cân, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, diện tích 5.300m2; khu đất tại số 11 Linh Trung, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, diện tích 11.764m2; khu đất tại số 540/21 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 11, Quận 3, diện tích 7.000m2. 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dự kiến tổng mức đầu tư của Dự án là 5.253,94 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 962,500 tỷ đồng, chi phí khác là 155,756 tỷ đồng, chi phí dự phòng là 934,534 tỷ đồng, chi phí xây lắp và thiết bị của Dự án là 3.210,15 tỷ đồng. Cũng theo ông Phong, danh mục và diện tích các khu đất nêu trên chỉ là dự kiến. Quỹ đất chính thức dùng để cân đối thanh toán hợp đồng BT cho dự án này sẽ được rà soát tính pháp lý và được xác định cụ thể trong quá trình lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi. Giá trị quyền sử dụng đất của quỹ đất dùng để thanh toán sẽ được thẩm định và phê duyệt để làm cơ sở thanh toán hợp đồng BT theo đúng quy định hiện hành.

Đề xuất áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu

UBND TP.HCM cho rằng, do tính cấp bách, cần thiết nên dự án này cần áp dụng Điều 26, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 để sớm đầu tư và hoàn thành công trình. Theo đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho Liên danh Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng 168 tự cân đối chi phí, nghiên cứu lập đề xuất dự án theo hình thức PPP (hợp đồng BT). Đến nay, liên danh này đã hoàn thành nghiên cứu đề xuất dự án. Các sở, ngành liên quan của Thành phố đã kiểm tra và xác định liên danh này có đủ điều kiện và năng lực tài chính, có tổng vốn chủ sở hữu đảm bảo theo quy định để thực hiện Dự án.

Ngoài ra, do Dự án có tính đặc thù, phải thực hiện đồng thời với việc di dời cảng Tân Thuận về khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, nên theo đề xuất của Liên danh, UBND TP.HCM đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận vào Liên danh tham gia đề xuất dự án. Đồng thời, cho phép UBND TP.HCM được quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND TP.HCM sẽ xây dựng, phê duyệt phương án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo phương án được duyệt theo đúng quy định, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của Dự án, góp phần thực hiện 4 mục tiêu phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong buổi làm việc với Thành phố ngày 27/6/2016. Như vậy, đến thời điểm này, mọi phương án đã được hoạch định, chỉ chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chuyên đề