Xác định mô hình Tổ chức phát triển quỹ đất để gỡ vướng giải phóng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Liên quan đến các thủ tục đất đai hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng là một trong những điểm “nóng”, có nhiều vướng mắc dẫn đến việc chậm trễ bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu, nhà đầu tư, khiến tiến độ thực hiện dự án, gói thầu bị kéo dài. Một trong những nguyên nhân là do hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất ở địa phương còn bất cập, chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.
Toàn cảnh Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai ngày 20/4
Toàn cảnh Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai ngày 20/4

Đây là nhận định được bà Hoàng Thị Vân Anh - Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế thuộc Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra tại Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai diễn ra vào ngày 20/4, tại Hà Nội.

Bà Hoàng Thị Vân Anh cho biết, theo quy định hiện hành, Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công lập và được thành lập ở cấp tỉnh với chức năng cơ bản là giải phóng mặt bằng và tạo lập quỹ đất. Thực tế thời gian qua cho thấy, tổ chức này chưa thực sự phát huy hiệu quả trong việc thu hồi đất, tổ chức đấu giá, thu địa tô chênh lệch. Hiện nay, Chính phủ quy định mô hình hoạt động của tổ chức này là 1 cấp - cấp tỉnh, trong khi đó thẩm quyền thu hồi đất là ở 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp huyện. Do đó, việc triển khai giải phóng mặt bằng và tạo lập quỹ đất ở cấp huyện gặp rất nhiều khó khăn.

Để khắc phục hạn chế này, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi nội dung này theo hướng: Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tổ chức phát triển quỹ đất có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng hạ tầng tạo quỹ đất; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định. Trường hợp Tổ chức phát triển quỹ đất là doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thì được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để tạo quỹ đất.

Về mô hình tổ chức, Cơ quan soạn thảo Nghị định đề xuất 2 phương án để lấy ý kiến rộng rãi. Cụ thể, phương án 1 là thực hiện theo mô hình một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh, được thành lập chi nhánh tại địa bàn cấp huyện. UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định thành lập hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất trực thuộc UBND cấp tỉnh trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại các Tổ chức phát triển quỹ đất hiện có tại địa phương.

Phương án 2 thực hiện theo mô hình 2 cấp. Tại cấp tỉnh, thành lập hoặc sắp xếp, kiện toàn lại Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp công ích trực thuộc UBND cấp tỉnh. Tại cấp huyện, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện.

Kinh phí hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất được cấp từ ngân sách nhà nước, ứng từ Quỹ phát triển đất hoặc Quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác được ủy thác; vay từ các tổ chức tín dụng; huy động từ liên doanh, liên kết; nguồn viện trợ, tài trợ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Minh - Chuyên gia pháp lý của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam cho rằng, không nên tiếp tục duy trì mô hình Tổ chức phát triển quỹ đất ở các địa phương theo mô hình đơn vị sự nghiệp công, mà nên hoạt động theo mô hình doanh nghiệp dịch vụ công ích Nhà nước sở hữu 100%.

Với mô hình hoạt động, Dự thảo Nghị định cần có các quy định rõ là doanh nghiệp này thành lập và hoạt động theo pháp luật doanh nghiệp và các quy định liên quan về doanh nghiệp có sử dụng vốn nhà nước; hoạt động trên nguyên tắc tự chủ tài chính, đảm bảo an toàn vốn và vị thế cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp này hoạt động an toàn, hiệu quả trong bối cảnh sử dụng nguồn lực của Nhà nước vào việc kinh doanh loại tài sản đặc thù là quyền sử dụng đất - loại tài sản có mức biến động lớn theo chu kỳ và theo thị trường nhưng về cơ bản thì đều tăng giá theo thời gian, Chính phủ cần quy định rõ trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh để đảm bảo phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm tại các quy định liên quan khác. Ngành nghề và lĩnh vực hoạt động của chủ thể này sẽ gồm hai hoạt động là cung cấp dịch vụ, hoạt động kinh doanh thương mại vì lợi nhuận của chính các chủ thể này và cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân khác trên thị trường; cung cấp các dịch vụ công ích phục vụ cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến đất đai.

Chuyên đề