Vỡ mộng với cam kết lợi nhuận condotel 12%/năm

(BĐT) - Ngày 25/11, truyền thông trong nước đồng loạt phản ánh việc chủ đầu tư Dự án Cocobay Đà Nẵng thừa nhận không thực hiện được việc chi trả lợi nhuận cam kết 12%/năm như đã ký với khách hàng. Cocobay được coi là dự án đầu tiên thông báo “vỡ trận” về lợi nhuận cam kết. Các chuyên gia kinh tế đều không tỏ ra bất ngờ và cho rằng việc này sớm hay muộn sẽ diễn ra.
Nhiều chuyên gia từng cảnh báo về thực trạng phát triển căn hộ condotel tại Việt Nam cũng như mức lợi nhuận cam kết. Ảnh: Tường Lâm
Nhiều chuyên gia từng cảnh báo về thực trạng phát triển căn hộ condotel tại Việt Nam cũng như mức lợi nhuận cam kết. Ảnh: Tường Lâm

Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả thuộc Bộ Tài chính, cho biết, trong thời gian qua, dự án condotel như “trăm hoa đua nở”, phát triển một cách rầm rộ nhưng tính pháp lý lại chưa rõ ràng. Đồng thời, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo ông Long, lĩnh vực bất động sản vốn có rủi ro cao, vì thế pháp lý là vấn đề được đặt lên hàng đầu để bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư. “Nếu tính pháp lý không bảo đảm thì rõ ràng là rủi ro cao nhất rồi. Và để thu hút đầu tư thì chủ đầu tư sẵn sàng đưa ra những cam kết lãi suất vô cùng hấp dẫn. Nhưng những cam kết này chỉ là “lời hứa”, nếu không thực hiện được chủ đầu tư sẽ đền kiểu gì?”, ông Long đặt vấn đề.

Cũng theo vị chuyên gia này, một rủi ro lớn nữa đó là không ít chủ đầu tư condotel chỉ tập trung vào việc “kiếm được tiền rồi chạy”, tìm mọi cách để huy động vốn, nhưng khi dự án đi vào vận hành thì không đáp ứng đầy đủ những hứa hẹn, cam kết với khách hàng.

Bên cạnh đó, theo ông Long, cũng xuất hiện những rủi ro do chủ đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền, dư thừa nguồn cung do tình trạng xây dựng ồ ạt khiến tính thanh khoản thấp.

“Rất nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo thời gian qua, nhưng với cam kết lợi nhuận hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư vẫn chấp nhận. Phải coi những vụ việc về “vỡ trận” lãi suất này là bài học xương máu trong đầu tư. Nguyên tắc trong đầu tư cần phải nhớ là lợi nhuận cao đi kèm rủi ro lớn”, ông Long đưa lời khuyên.

Theo số liệu của 71 dự án bất động sản do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở từ đầu năm 2015 đến nay, có hơn 25.600 căn hộ condotel, officetel, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ngoài ra còn có hàng chục nghìn căn condotel, officetel do các địa phương thẩm định, cấp phép theo thẩm quyền.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết, cách đây 4 năm, ông cũng đã từng lên tiếng cảnh báo các chủ đầu tư cam kết mức lợi nhuận như vậy rất “không tưởng”.

Thứ nhất, trong các hợp đồng với nhà đầu tư thứ cấp đã không đưa ra quy định chế tài nào cả. Khi chủ đầu tư không thực hiện cam kết đó, dù chủ đầu tư thua kiện thì việc thực hiện cam kết cũng rất khó.

Thứ hai, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nhiều rủi ro, các nhà đầu tư mua căn hộ tin rằng các chủ đầu tư dự án sẽ mời được các công ty du lịch quốc tế đem khách hàng vào để lấp đầy những khu du lịch nghỉ dưỡng và tạo lợi nhuận, nhưng đó chỉ là mong muốn, còn thực sự thì phải nhìn vào tình hình kinh tế của cả thế giới chứ không đơn thuần chỉ kinh tế Việt Nam.

Còn nhớ, tại Diễn đàn Bất động sản du lịch biển Việt Nam 2018, nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo rất mạnh về thực trạng phát triển căn hộ condotel tại Việt Nam. Trong đó, ý kiến của ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation được quan tâm đặc biệt khi ông cho rằng, cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8 - 12% là không tưởng, không ai trên thế giới dám đưa ra cam kết như vậy.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới sẽ kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, tránh để xảy ra tình trạng dư thừa, tồn kho, gây bất ổn cho thị trường, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng từng đưa ra khuyến nghị, đã đến thời điểm nên tạm dừng phát triển mới các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Các dự án đã và đang triển khai cần tập trung để hoàn thành, đưa vào khai thác kinh doanh, đáp ứng các mục tiêu đặt ra ban đầu là tạo các cơ sở hạ tầng du lịch, tạo cơ sở lưu trú phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đất nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc đổ tiền quá nhiều vào condotel, trong khi số lượng condotel lớn, sẽ dẫn tới “bội thực”.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư