Việt Nam sẵn sàng cho hành trình bứt phá ngành công nghiệp bán dẫn

(BĐT) - Tại Toạ đàm "Cơ hội của Việt Nam trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu", nằm trong khuôn khổ Triển lãm Công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 đang diễn ra tại Hà Nội, nhiều nhà đầu tư công nghệ quốc tế đánh giá, Việt Nam đang nổi lên nhanh chóng như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu với nhiều bước tiến lớn trong thiết kế cũng như đóng gói và kiểm thử… Đến nay, Việt Nam cũng hội tụ nhiều yếu tố thể hiện sự sẵn sàng cho hành trình bứt phá.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại Toạ đàm Cơ hội của Việt Nam trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại Toạ đàm Cơ hội của Việt Nam trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu

Ông Steven Lim KT, Phó Chủ tịch, Dự án chiến lược Việt Nam, BESI (Hà Lan) cho biết, BESI - doanh nghiệp (DN) chuyên cung cấp thiết bị đóng gói công nghệ cao - vừa thiết lập cơ sở mới tại TP.HCM. “Chúng tôi rất hào hứng khi được gia nhập vào thị trường bán dẫn Việt Nam. Lý do chúng tôi đến Việt Nam là đi theo chân khách hàng của mình, trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên trở thành điểm đến hấp dẫn chuỗi cung ứng bán dẫn”, ông Steven Lim KT chia sẻ. Theo ông, dù mới hiện diện ở Việt Nam vài tháng, nhưng BESI nhận thấy các DN lĩnh vực này của Việt Nam có tinh thần cầu tiến rất tốt, đội ngũ nhân lực cho đến hạ tầng phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng được cải thiện…

Cùng chung nhận xét, ông Hans Duisters - nhà sáng lập Brainport Industries, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sioux - cho biết, trong nhiều năm qua, Sioux đã lựa chọn Việt Nam để làm cơ sở phát triển. Theo ông Hans Duisters, Sioux tập trung vào các thiết bị công nghệ cao, mỗi cấu phần của thiết bị bán dẫn cũng có phần cung ứng riêng.

“Việt Nam đã đưa ra những mục tiêu, chiến lược rõ ràng để phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn và thực tế Việt Nam cũng khá thành công trong việc thực hiện mục tiêu này. Đây là lý do chúng tôi lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư trong việc phát triển mảng thiết kế phần mềm bán dẫn. Chúng tôi cũng nhìn thấy những cơ hội phát triển ở Việt Nam…”, ông Hans Duisters chia sẻ.

Các đại biểu là đại diện các doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu tham gia phiên Toạ đàm

Các đại biểu là đại diện các doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu tham gia phiên Toạ đàm

Đề cập về sự sẵn sàng của Việt Nam trong bước tiến trở thành “mắt xích” chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm diễn ra cùng ngày, ông KC Ang, Chủ tịch Ban cố vấn Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) - Khu vực Đông Nam Á nhìn nhận, Việt Nam đã mở rộng đáng kể các hoạt động của ngành công nghiệp bán dẫn với sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác.

“Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như một cường quốc bán dẫn trong khu vực. Thị trường bán dẫn Việt Nam dự kiến đạt 18,23 tỷ USD trong năm 2024. Như vậy, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép rất ấn tượng, theo đó có khả năng đạt con số hơn 31 tỷ USD vào năm 2029”, ông KC Ang cho biết. Theo ông, kết quả này có được nhờ tầm nhìn chiến lược của Chính phủ cùng nền tảng vững chắc đặt ra với quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo đất nước.

Cụ thể, Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ về việc thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn với việc đưa ra mục tiêu rõ ràng cùng lộ trình thực hiện. Chính phủ cũng thông qua chương trình đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực thời gian tới… Bên cạnh đó, Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược, trên tuyến đường hàng hải chính dẫn tới nhiều khu vực phát triển trên thế giới; đồng thời, dân số trẻ, nguồn nhân lực tiếp cận nhanh, sẵn sàng nắm bắt công nghệ tốt với khả năng cạnh tranh cao…

“Sự kiện Triển lãm Công nghiệp bán dẫn Việt Nam năm 2024 cũng là minh chứng cho thấy những nỗ lực và cam kết của Chính phủ trong việc phát triển ngành này trong thời gian tới. Nhiều cải cách thúc đẩy ngành đã được thực hiện nhằm có thể đưa Việt Nam trở thành hình mẫu - nơi có môi trường đầu tư tốt để phát triển ngành bán dẫn”, ông KC Ang nhận xét.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, đến nay, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các DN, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Dự kiến, trong năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao… góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Chuyên đề