Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các công ty Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là đối tác đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, mới đây, 15/30 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ tài chính để mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã chọn Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn với các DN Nhật Bản.
15/30 doanh nghiệp Nhật Bản được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ
tài chính để mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã chọn Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
15/30 doanh nghiệp Nhật Bản được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ tài chính để mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã chọn Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Báo Đấu thầu.

Ông có thể cho biết tình hình đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm nay?

Đây là giai đoạn khó khăn của các công ty Nhật Bản khi phải giải quyết các sự việc chưa từng có trong nửa đầu năm 2020. Theo Chính phủ Việt Nam, vốn đầu tư từ Nhật Bản giảm 60% về giá trị và 30% về số dự án so với cùng kỳ năm ngoái.

Khảo sát của JETRO với các công ty Nhật Bản tại Việt Nam vào tháng 6 năm nay cho thấy, có 65% số DN được hỏi cho biết doanh số năm 2020 sẽ giảm so với năm ngoái. Mặc dù hoạt động sản xuất tại Việt Nam đã mở cửa trở lại, nhưng thị trường xuất khẩu vẫn bị thiệt hại nặng nề. Hạn chế đi lại là một trong những trở ngại cho hoạt động kinh doanh, do vậy, 32% các công ty Nhật Bản đã thực hiện hoặc có kế hoạch áp dụng các cuộc họp kinh doanh trực tuyến. Nhưng nhiều công việc không thể thực hiện trực tuyến, chẳng hạn như kiểm tra và giám sát, đào tạo nhân sự, đàm phán và xây dựng các mối quan hệ...

Tuy vậy, kết quả khảo sát của JETRO cũng cho thấy, tỷ lệ DN Nhật Bản tại Việt Nam dự báo có doanh thu âm chiếm khoảng 20%, thấp hơn tỷ lệ này tại các nước khác (Mỹ là 60%).

Trong đợt tuyển chọn hỗ trợ lần 1 của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), có 15/30 doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn điểm đến là Việt Nam, trong đó chủ yếu là lĩnh vực y tế. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Takeo Nakajima

Ông Takeo Nakajima

Trước hết, Chính phủ Nhật Bản không thúc đẩy các công ty chuyển nhà máy từ quốc gia A sang quốc gia B. Khoản trợ cấp gần đây của METI có tên là Chương trình Tăng cường chuỗi cung ứng ở nước ngoài nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án được phê duyệt để đa dạng hóa nguồn cung ứng. Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ chuỗi cung ứng hàng hóa quan trọng và cản trở các hoạt động kinh tế. Chương trình này hỗ trợ các sáng kiến của DN để đa dạng hóa và củng cố mạng lưới sản xuất.

Ví dụ, một công ty phụ tùng ô tô có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, Philippines, Malaysia và hiện có kế hoạch đầu tư một nhà máy khác tại Việt Nam để bổ sung nguồn cung cấp mới sẽ đăng ký tham gia Chương trình. Dự án được phê duyệt sẽ được hỗ trợ tối đa là 5 tỷ Yên (khoảng 1.081 tỷ đồng), tùy thuộc vào quy mô của dự án. Thời hạn kết thúc triển khai dự án là tháng 3/2025, riêng lĩnh vực y tế phải kết thúc trước 2 năm (tháng 3/2023).

Một nửa trong số các dự án được METI phê duyệt liên quan đến các sản phẩm y tế. Covid-19 cho thấy chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương như thế nào trong đại dịch. Khẩu trang kháng khuẩn, dung dịch khử trùng và trang phục bảo vệ cá nhân đang thiếu hụt nghiêm trọng tại Nhật Bản do các nguồn sản xuất và nhập khẩu hạn chế. Từ thực tế đó, chúng tôi cố gắng giảm thiểu rủi ro gián đoạn đối với việc cung cấp hàng hóa thiết yếu. Và Việt Nam trở thành nhà cung cấp các đồ dùng y tế thiết yếu trong cuộc khủng hoảng vừa qua.

Tuy nhiên, phần còn lại của đợt tuyển chọn này có các dự án sản phẩm phi y tế như: phụ tùng ô tô, sản phẩm công nghệ thông tin, động cơ công nghiệp... Đây cũng là những sản phẩm rất quan trọng và nguồn cung không nên bị gián đoạn.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản làm “tổ” thành công tại Việt Nam, ông có đề xuất gì với Chính phủ Việt Nam?

Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của các công ty Nhật Bản trong khu vực. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện theo thời gian.

Dù vậy, các công ty Nhật Bản vẫn phải đối mặt với những trở ngại. Theo khảo sát của JETRO năm ngoái, hơn 60% số DN được hỏi cho biết việc tăng chi phí nhân sự là một rủi ro nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 43% số DN được hỏi chỉ ra những khó khăn do quy định không rõ ràng và hạn chế trong thực thi pháp luật. Hàng năm, các sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã nêu ra và xem xét những vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về việc đổi mới phương thức tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư bằng hình thức trực tuyến vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với JETRO tổ chức để đối thoại với gần 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản, cũng như việc Chính phủ Việt Nam thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài trong thời điểm này?

Tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và JETRO, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã phát biểu rõ ràng về việc chào đón dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản. Việc sửa đổi các quy định liên quan trong lĩnh vực đầu tư sẽ khuyến khích đầu tư tư nhân nhiều hơn vào các lĩnh vực công.

Tại sự kiện này, các diễn giả đến từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Công ty Marubeni, Công ty TNHH Công nghiệp TOWA Việt Nam và đại diện JETRO đã chỉ ra các cơ hội kinh doanh và rào cản cần vượt qua.

Ngoài ra, việc Chính phủ Việt Nam thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài là một động thái kịp thời để thúc đẩy đầu tư.

Chuyên đề