Để tránh hai nguy cơ này, kinh tế Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong ít nhất vài thập niên tới.
Việt Nam đang hội nhập “máu lửa” nhất
Đó là khẳng định của TS.Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong dòng chảy hội nhập thế hệ mới (TPP-FTA) - những tác động đối với doanh nghiệp” tổ chức sáng 19.2.
Ông Thành đánh giá, thời điểm mang tính chất bước ngoặt này sẽ tạo điều kiện cho rất nhiều ngành nghề mới ra đời và phát triển phục vụ người tiêu dùng. Trong đó, xu hướng nổi lên là các lĩnh vực du lịch, giải trí và tiêu dùng. Dẫn chứng cho thấy, trong tháng 1.2016, dòng vốn FDI vào bất động sản giảm sâu, nhưng bật tăng vào giải trí. Với một dự án lớn tổng vốn đầu tư 210,58 triệu USD, lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi, giải trí hiện đang đứng thứ hai, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
“So với tất cả các nước ASEAN trừ Singapore, Việt Nam hội nhập máu lửa nhất. Trong 5 năm tới Việt Nam sẽ đi trước về thị trường đầu tư, quan hệ đối tác và chuyển sang quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh. Ông Thành thông tin thêm, trong tuần tới, Việt Nam sẽ chính thức công bố báo cáo chiến lược kinh tế năm 2035 dày 400 trang. Trong đó, các chuyên gia nhận định, “hậu” các FTA, vào năm 2035 Việt Nam sẽ vươn mình thành nước thu nhập trung bình cao và bắt đầu được xếp vào hàng ngũ các nước trung lưu trên thế giới.
Cũng theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp Việt Nam muốn chiếm lĩnh được thị trường trong dòng chảy hội nhập thế hệ mới cần phải hiểu và thỏa mãn các quy tắc xuất xứ, mảng phân phối, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. “Việt Nam đang bước vào thời kỳ bùng nổ cho các ngành hàng, chỉ khi doanh nghiệp Việt nhiều khát vọng và tự tin, kinh tế Việt Nam giai đoạn mới sẽ khởi sắc” - ông nhấn mạnh.
Đến thời của DN dám sáng tạo
Theo TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là làm sao tận dụng được các cơ hội đang mở ra. “Tham gia WTO, FTA, AEC, TPP… nói chung là đưa nền kinh tế phát triển theo hướng tự do hóa thương mại và tính chất thị trường nhiều hơn nhưng vai trò Nhà nước không giảm mà sẽ nặng nề hơn. Bản thân việc tận dụng cơ hội cũng chính là thách thức” - ông Lịch cho biết.
Ngoài ra, ông Lịch đánh giá, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam còn ít hiểu biết về các quy định liên quan đến hội nhập. Hiểu và xử lý tốt các khía cạnh pháp lý là một điểm yếu lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. “Trong hội nhập, thiếu hiểu biết về luật lệ sẽ là một bất lợi lớn, thua thiệt trong các tranh chấp pháp lý là điều khó tránh khỏi” - ông Lịch lo ngại.
Cũng theo chuyên gia này, khi tham gia vào sân chơi toàn cầu, cơ hội và thách thức luôn đan xen nhau buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải biết lựa chọn những lợi thế và loại bỏ những bất lợi để giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh rất gay gắt trên 3 giác độ: cạnh tranh quốc gia; cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh sản phẩm hàng hóa dịch vụ. “Chúng ta đang ở trong thời đại mà sự thắng thua trên thương trường không tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp mà phụ thuộc vào tư duy đổi mới sáng tạo, điều doanh nghiệp Việt cần là môi trường tốt để nuôi dưỡng sáng tạo và Nhà nước ngày càng phát huy vai trò “bà đỡ” cho thị trường”, TS Trần Du Lịch khẳng định.
Theo đó, trong thời gian tới, ông Lịch cho rằng vấn đề nợ xấu, nợ công, cải cách thể chế hành chính và đẩy mạnh thị trường nội địa cần được giải quyết triệt để. “Nợ xấu như là chiếc xe máy bị chết giữa đường. Sau khi dọn sang lề đường để xe khác lưu thông cần phải tìm cách sửa chữa khôi phục để nó có thể sử dụng lại được. Nếu xe nào cũng thành nợ xấu, đều bị dẹp sang lề đường thì còn lấy gì mà đi, đừng bao giờ để tài sản bị đóng băng” - ông ví von.