Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Cần đánh giá nguyên nhân thu nội địa tăng chậm

(BĐT) - Tổng thu NSNN 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,68% kế hoạch 5 năm. Tuy nhiên, phần tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương, số thu từ sản xuất kinh doanh 2 năm liên tiếp không đạt dự toán (2017 và 2018) đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngân sách trung ương theo kế hoạch và tạo áp lực lên mục tiêu giảm bội chi NSNN.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải  đánh giá việc điều chỉnh chính sách thu, công cụ điều tiết các khoản thu chậm đổi mới.  Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đánh giá việc điều chỉnh chính sách thu, công cụ điều tiết các khoản thu chậm đổi mới. Ảnh: Quochoi.vn

Đây là lưu ý của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 sau 3 năm thực hiện.    

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần phân tích, đánh giá nguyên nhân số thu nội địa tăng chậm, các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán trong những năm gần đây để có các giải pháp khắc phục hợp lý; đồng thời, để xây dựng dự toán thu NSNN các năm sau khả thi hơn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2011-2015 song việc điều chỉnh chính sách thu, công cụ điều tiết các khoản thu chậm đổi mới nên kết quả thu NSNN chưa được như mong muốn; mặt khác, còn thể hiện công tác xây dựng và giao dự toán chưa chú trọng thực sự đến công tác phân tích, đánh giá và nhận định các yếu tố tác động. Do đó, đề nghị Chính phủ cần quan tâm, khắc phục những hạn chế đã và đang tồn tại trong nhiều năm; nâng cao chất lượng phân tích và dự báo nguồn thu để xây dựng dự toán thu chắc chắn, bảo đảm cân đối chung trong Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia.

Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ cần kiên quyết, quyết liệt thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương về quản lý thu NSNN; thực hiện rà soát, có cơ chế quản lý chặt chẽ về ưu đãi đầu tư, chống chuyển giá.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo sát sao để sớm hoàn thành công tác kiểm kê, đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công và đưa số liệu này vào báo cáo tài chính nhà nước theo đúng quy định tại Điều 30 của Luật Kế toán số 88/2015/QH13; cần đánh giá tác động và kết quả sau một năm thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù tại Tp. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 54/2017/QH14.

Đặc biệt, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo và đánh giá bổ sung về dự kiến tác động của việc thay đổi chính sách thuế hiện nay trong quan hệ thương mại quốc tế của một số quốc gia lớn đối với kinh tế - tài chính Việt Nam; của tiến trình cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước đến số thu NSNN. Đồng thời, chỉ đạo việc thực hiện rà soát, xem xét quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và nguồn thu để lại cho các cơ quan, đơn vị; rà soát nguồn thu từ đất để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN của một số bộ, ngành giai đoạn 2016-2020 để điều chỉnh tổng thể Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị, việc điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020 cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu của thực tế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại nhưng phải bảo đảm chặt chẽ, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và các nguồn tài chính quốc gia. Chỉ trong trường hợp có tăng thu ngân sách thì mới được tăng chi và sử dụng dự phòng chung của ngân sách, không điều chỉnh tăng mức bội chi NSNN, trần đầu tư công, trần nợ công đã được Quốc hội quyết định (trừ trường hợp tăng thu của các địa phương).

Về phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và và chi thường xuyên chưa sử dụng hết của ngân sách trung ương năm 2017, Ủy ban Tài chính- Ngân sách kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng 10.380 tỷ đồng nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2017 để thực hiện bù giảm thu cân đối ngân sách trung ương năm 2017 (5.894 tỷ đồng), hỗ trợ bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương năm 2017 (2.815 tỷ đồng) và bổ sung nguồn thực hiện cải cách tiền lương để hỗ trợ một số địa phương xử lý số thiếu nguồn làm lương trong năm 2016, 2017 (1.671 tỷ đồng). Đồng thời, đề nghị Chính phủ thực hiện hủy dự toán năm 2017 đối với số kinh phí còn lại 8.546,5 tỷ đồng và kinh phí chi thường xuyên năm 2017 của các bộ, cơ quan chưa sử dụng không được chuyển nguồn 1.284,5 tỷ đồng.

Mặc dù tỷ lệ bội chi và nợ công/GDP giảm và hướng tới mục tiêu của kế hoạch đã đề ra theo Nghị quyết 25/2016/QH14. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, để giữ được mức bội chi bình quân cả giai đoạn không quá 3,9%GDP và phấn đấu giảm mạnh để đến năm 2020 bội chi NSNN không quá 3,5% GDP là một thách thức trong bối cảnh thu từ các khu vực quan trọng không đạt dự toán, nguồn thu chưa bền vững.

Chuyên đề