Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng sinh học chỉ nên bằng 50% mức thuế đối với xăng khoáng. Ảnh: Mạnh Hùng |
Chưa khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh
Kết quả nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 11/3/2019 cho thấy, chính sách thuế đối với thúc đẩy tăng trưởng xanh còn chưa thực sự khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng hóa thân thiện môi trường.
Cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội thuộc CIEM cho biết, thông qua chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), Chính phủ thực hiện miễn thuế thu nhập DN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải; áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập DN từ thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường; áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm đối với thu nhập của DN khi thực hiện dự án đầu tư mới có ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường…
Về thúc đẩy tiêu dùng xanh, Chính phủ thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (bao gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được, công nghệ trong nước chưa tạo ra được)… “Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi về thuế chưa đủ mạnh để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh”, ông Hải nêu thực tiễn.
Từ phía đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi, một số DN cho rằng, để sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, DN cần đầu tư lớn và sản phẩm có giá thành cao, song các chính sách hiện nay là chưa đủ lực đẩy.
Mặt khác, để khuyến khích tiêu dùng xanh, cần có chính sách ưu đãi cho những người tiêu dùng “lớn”. Trong khi đó, vẫn vắng bóng các chính sách ưu đãi tiêu dùng sản phẩm xanh với các nhà thầu là các nhà cung cấp.
Bàn thêm về vấn đề này, nghiên cứu của CIEM cũng chỉ ra, hiện các chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường chưa phù hợp với thực tiễn, số thu từ các nguồn thuế này chưa tương xứng với những tổn hại do hoạt động sản xuất, tiêu dùng các loại sản phẩm này gây ra.
Cần hoàn thiện chính sách thuế
Xác định chính sách thuế là một trong các công cụ để thực hiện điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, nghiên cứu của CIEM đề xuất một loạt giải pháp hoàn thiện chính sách thuế, trong đó có chính sách ưu đãi cho DN nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Cụ thể, chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN cần được hoàn thiện nhằm thu hút có chọn lọc đầu tư vào phát triển ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao; khuyến khích sản xuất năng lượng sạch.
Với thuế tiêu thụ đặc biệt, cần quy định thuế suất đối với xăng sinh học bằng 50% mức thuế đối với xăng khoáng nhằm tạo ra sự chênh lệch đáng kể giữa giá xăng sinh học và xăng khoáng.
Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (có hiệu lực từ 1/1/2016), thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng khoáng, xăng E5, xăng E10 lần lượt là 10%; 8% và 7%.
Đồng thời, CIEM cũng đề xuất, cần tiếp tục duy trì, thậm chí tăng mức thu của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, nhiên liệu hóa thạch nhằm hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa này.
“Về chính sách thuế giá trị gia tăng, cần sửa đổi theo hướng quy định mức thuế suất 0% đối với dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên cây xanh đường phố; vận chuyển hành khách công cộng bằng xe bus, xe điện”, ông Hải nhấn mạnh.
Từ góc độ cơ quan nghiên cứu, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính nêu rõ quan điểm: “Việc xây dựng, ban hành chính sách thuế là rất quan trọng, song các chính sách này cần phải được thực thi một cách công bằng mới thực sự mang lại ý nghĩa cho DN, người dân”.
Riêng trong lĩnh vực mua sắm công xanh, trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Thị Bích Hòa, Phó Giám đốc Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam đề xuất, việc rà soát, điều chỉnh khung pháp lý về mua sắm công bền vững, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế cho DN, sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy mua sắm công xanh tại Việt Nam.