Ưu đãi thuế cho công nghiệp ô tô: Vướng trong thực thi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính sách ưu đãi thuế để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô được đánh giá là có tác động tích cực đến ngành này. Tuy nhiên, các cơ quan thực thi chính sách và doanh nghiệp (DN) thụ hưởng cho biết vẫn gặp một số vướng mắc, cần nhanh chóng tháo gỡ để chính sách ưu đãi đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phản ánh, các quy định về thủ tục kiểm tra cơ sở sản xuất, thủ tục hồ sơ áp dụng mức thuế còn quá phức tạp, rườm rà. Ảnh: Lê Tiên
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phản ánh, các quy định về thủ tục kiểm tra cơ sở sản xuất, thủ tục hồ sơ áp dụng mức thuế còn quá phức tạp, rườm rà. Ảnh: Lê Tiên

Để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2016/NĐ-CP, Nghị định 125/2017/NĐ-CP quy định về ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô. Trong đó, DN đáp ứng các điều kiện nhất định được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được. Tiếp đó, ngày 25/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP.

Theo bà Nguyễn Thu Trang, Phó Trưởng Phòng Chính sách thuế xuất nhập khẩu thuộc Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính, Nghị định 57/2020/NĐ-CP đã bổ sung các chủng loại xe ô tô chạy điện, xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu, xe ô tô hybrid, xe ô tô sử dụng nhiên liệu sinh học hoàn toàn, xe ô tô sử dụng khí thiên nhiên vào đối tượng áp dụng ưu đãi; sửa đổi tiêu chí sản lượng chung tối thiểu của các nhóm xe và sản lượng riêng tối thiểu của mẫu xe để phù hợp với thực trạng ngành sản xuất, lắp ráp ô tô hiện nay và tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành này. Đồng thời, sửa đổi quy định về mẫu xe và quy định về thủ tục, hồ sơ thực hiện chương trình ưu đãi thuế để giảm thủ tục hành chính, góp phần khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng của Chính phủ.

Ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, Nghị định 57/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực mở đường cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển. Trong đó, các DN sản xuất ô tô và DN sản xuất linh kiện, phụ tùng đều được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Đáng chú ý là ưu đãi thuế với các DN công nghiệp hỗ trợ để họ có thể nhập nguyên vật liệu trong nước chưa sản xuất được về sản xuất linh kiện, cung cấp cho DN lắp ráp ô tô trong nước.

Cơ quan hải quan đang gặp khó khăn liên quan đến xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để xét ưu đãi. Ngoài ra, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng nêu một số điểm cần được giải đáp liên quan đến đối tượng được hưởng thuế suất nhập khẩu nguyên vật liệu 0%.

Tuy nhiên, ông Tưởng cho biết, phía cơ quan hải quan đang gặp khó khăn liên quan đến xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện để xét ưu đãi.

Cụ thể, Cục Hải quan Hà Nam Ninh đang gặp vướng mắc liên quan đến xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nên hiện tại còn gần 32 tỷ đồng tiền thuế linh kiện phát sinh tại đơn vị chưa thực hiện xử lý tiền thuế nộp thừa cho đến khi có ý kiến chính thức từ cơ quan chức năng.

Còn theo đại diện Cục Hải quan Quảng Nam, đến thời điểm hiện tại, đơn vị đang chờ để hoàn gần 74 tỷ đồng thuế đối với các mặt hàng còn vướng liên quan đến xác định trong nước đã sản xuất được hay chưa, các mặt hàng cần làm rõ tên hàng, mã số HS để thực hiện phân loại, hoàn thuế do có sự khác biệt trong cách hiểu và phân loại mã HS giữa cơ quan hải quan và DN.

Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cũng nêu một số điểm cần được giải đáp. Theo đó, đối tượng được hưởng thuế suất 0% là DN sản xuất linh kiện, phụ tùng có hợp đồng mua bán với DN lắp ráp ô tô được Bộ Công Thương công nhận. Vậy trường hợp sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô; sản xuất phụ tùng, linh kiện xuất khẩu thì sao?

Mặt khác, về nguyên tắc chung, có một số loại vật tư, nguyên liệu trong nước chưa sản xuất và sẽ chưa sớm sản xuất được (thậm chí sẽ không bao giờ sản xuất do tính chuyên môn hóa cao trong ngành công nghiệp ô tô thế giới, ví dụ như vòng bi, một số loại linh kiện điện tử…). Vì vậy, chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu ở mức 0% hoặc ở mức rất thấp cần được giữ ổn định trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, VASI cũng phản ánh, các quy định về thủ tục kiểm tra cơ sở sản xuất, thủ tục hồ sơ áp dụng mức thuế còn quá phức tạp, rườm rà. Điều này có thể gây phiền hà cho DN, gây khó cho mục tiêu “khuyến khích, hỗ trợ” của chính sách ưu đãi.

Chuyên đề