Theo cáo cáo tài chính hợp nhất của Fraser & Neave - tập đoàn đồ uống Singapore do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền kiểm soát, khoản thu nhập bất thường từ đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) khiến chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trong quý III của niên độ tài chính kết thúc ngày 31/10/2017 diễn tiến đối nghịch nhau.
Cụ thể, doanh thu bán hàng đạt hơn 483 triệu đôla Singapore (SGD), tương đương khoảng 8.051 tỷ đồng và giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sữa tiếp tục là ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn với hơn 57%, tiếp đến là nước giải khát và in ấn.
Theo phân tích của ban lãnh đạo tập đoàn, chi phí đầu vào tăng cao và nhu cầu tiêu dùng yếu, cộng thêm môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại hầu hết thị trường là những nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh bị tác động tiêu cực.
Ở chiều ngược lại, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh chính của tập đoàn được cải thiện đáng kể, đạt hơn 78 triệu SGD (tương đương 1.303 tỷ đồng). Trong đó, thị trường Việt Nam chiếm đến 73%, gấp 3 lần năm ngoái và áp đảo hoàn toàn hai thị trường chủ lực là Thái Lan và Malaysia.
Đáng chú ý là lợi nhuận ròng trong kỳ báo cáo này đạt xấp xỉ 1,26 tỷ SGD (tương đương 20.973 tỷ đồng), tăng đột biến so với mức 38 triệu SGD của cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu cho khoản đầu tư tại Vinamilk mang về cho F&N khoản lợi nhuận gần 1,2 tỷ SGD (tương đương 20.060 tỷ đồng). Kết quả này có sự đóng góp lớn từ đợt thanh toán cổ tức vào cuối tháng 5 và giá cổ phiếu VNM tăng mạnh lên mức 157.600 đồng một cổ phiếu tại thời điểm cuối kỳ báo cáo.
Dự kiến trong quý cuối của niên độ tài chính 2017, F&N sẽ ghi nhận thêm 460 tỷ đồng từ việc Vinamilk tạm ứng cổ tức đợt một với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt.
Giải trình báo cáo tài chính cho thấy, việc hạch toán được thực hiện sau khi tập đoàn nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp dẫn đầu thị phần sữa Việt Nam lên 18,74%, thông qua hai tổ chức là F&N Dairy Investments và F&NBev Manufacturing.
Cuối năm 2016, hai tổ chức này đã chi gần 500 triệu USD (tương đương khoảng 11.286 tỷ đồng) để mua 60% khối lượng cổ phiếu do SCIC chào bán công khai theo phương án thoái vốn nhà nước. Mức giá mua vào tại thời điểm đó cao hơn so với thị trường gần 7%. Hiện, F&N Dairy Investments là cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk và có đại diện là ông Lee Meng Tat trong Hội đồng quản trị.
Mới đây, F&N Dairy Investments Pte. Ltd tiếp tục đăng ký mua vào hơn 14,5 triệu cổ phiếu của Vinamilk thông qua giao dịch thoả thuận và khớp lệnh trong thời gian từ ngày 24/7 đến 22/8.
F&N Dairy Investments Pte. Ltd bắt đầu đăng ký mua khối lượng cổ phiếu này từ giữa tháng 4 nhằm mục đích đầu tư. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường không phù hợp nên qua 3 lần giao dịch chỉ gom thêm được 5 triệu cổ phiếu. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư này sẽ tăng lên 17,04%, tương ứng hơn 247 triệu cổ phiếu.