Tỷ giá USD/VND sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2016?

Sau hơn hai tuần Ngân hàng Nhà nước áp dụng điều hành chính sách tỷ giá theo cơ chế mới, mặc dù thị trường kinh tế, tài chính nước ngoài có nhiều thông tin tiêu cực nhưng thị trường ngoại hối Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định của mình.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Dù vậy, thì vẫn còn nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, rằng tỷ giá sẽ biến động như thế nào trong năm 2016, tại sao tỷ giá trung tâm tăng mà tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lại giảm, đặc biệt là thông tin người dân gửi USD nhưng lại rút ra bằng tiền VND. 

Sự “lệch pha” 

Sau hơn nửa tháng áp dụng điều hành chính sách tỷ giá theo cơ chế mới, có một hiện tượng xảy ra là tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đồng đôla Mỹ tăng hơn 20 đồng so với cuối năm 2015, trong khi đó tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lại điều chỉnh giảm khoảng 50-60 đồng. 

Lý giải điều này, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cho biết thị trường đã phản ứng tương đối tích cực với cách thức điều hành tỷ giá mới. Tính đến cuối giờ chiều ngày 18/1, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giao dịch ở mức 22.400 đồng (VND)/USD, thấp hơn khoảng 120 đồng so với mức phổ biến là 22.520 VND trong giai đoạn cuối năm 2015. Tỷ giá niêm yết ở mức 22.350-22.420 VND/USD, giảm khoảng 130 đồng so với cuối năm trước, là mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua. Các giao dịch ngoại tệ trên thị trường diễn ra thông suốt, thanh khoản của thị trường tốt.

Tuy nhiên, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam diễn biến tăng/giảm linh hoạt hàng ngày, đến ngày 18/1 ở mức 21.913 VND/USD, tăng 24 VND/USD so với cuối năm 2015, chủ yếu do tác động của diễn biến trên thị trường thế giới như đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh tác động giảm giá một số đồng tiền châu Á, chứng khoán Trung quốc suy giảm, chỉ số USD tăng cao…. 

Diễn biến trên cho thấy cách thức điều hành tỷ giá mới đã làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua. 

Ông Dũng khẳng định, diễn biến tích cực này của thị trường ngoại tệ diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới liên tục có nhiều biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi cho thấy cách thức điều hành tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước không chỉ hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ mà còn giúp thị trường ngoại tệ hấp thu tốt hơn các cú sốc bên ngoài. 

Là một người cũng đã có nhiều năm kinh doanh về ngoại tệ, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị LienVietPostBank cho rằng, thực tế trong thời gian qua, khi áp dụng cơ chế tỷ giá mới, có nhiều lúc tỷ giá thực tế thị trường lại giảm so với tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước. Đây là một sự “lệch pha” trái ngược so với những năm trước đây. 

Ông Hưởng lý giải, trước đây tỷ giá trên thị trường tự do luôn luôn “trên trời”, làm cho tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước phải chạy theo, có khi phải bán ngoại tệ để ổn định thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia. 

Hiện nay, sự “lệch pha” này thật đáng mừng. Vì thể hiện rõ yếu tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ đã bị đẩy lùi; các chính sách vừa qua cùng cơ chế mới đã khơi thông các dòng chảy ngoại tệ trên thị trường. Với thị trường, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là thanh khoản và Ngân hàng Nhà nước kích thích được yếu tố đó. Cung ngoại tệ được kích thích, cung tăng thì tỷ giá giảm là dễ hiểu. 

Tỷ giá sẽ không biến động lớn 

Một trong những nỗi lo của thị trường, doanh nghiệp đó là với chính sách tỷ giá mới, tỷ giá có thể sẽ biến động lớn với biên độ rộng. Trấn an thị trường, ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank cho rằng, cơ chế tỷ giá mới là linh hoạt, có tính thị trường vì phản ánh được mọi diễn biến thị trường cả quốc tế và trong nước. Việc dự báo luôn là khó và mỗi khi điều kiện kinh tế tài chính thay đổi, theo ông Trịnh Quang Anh, lại phải điều chỉnh lại dự báo đã thực hiện trước đó. 

"Với bối cảnh hiện tại, cá nhân tôi cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ tăng đâu đó khoảng 4% trong năm nay," ông Trịnh Quang Anh đưa ra dự báo. 

Còn ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định năm 2016 và những năm tiếp theo, tổng ngoại tệ vào Việt Nam vẫn lớn hơn tổng ngoại tệ ra khỏi Việt Nam. Nói cách khác cung cầu ngoại tệ về cơ bản là dư thừa nếu Việt Nam khắc phục được tình trạng găm giữ ngoại tệ. 

“Với cơ chế mới về quản lý ngoại hối và các biện pháp ngăn chặn tình trạng găm giữ đã được Ngân hàng Nhà nước công bố có thể thấy biến động của tỷ giá hối đoái không lớn, khoảng 3%,” ông Nghĩa dự báo. 

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD sẽ linh hoạt nhưng vẫn có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. 

Ông Dũng cho biết, trong năm nay Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ kỳ hạn như một biện pháp kỹ thuật để định hướng vùng mục tiêu tỷ giá cho doanh nghiệp và thị trường nắm được. “Ngân hàng Nhà nước đã bán ngoại tệ phái sinh kỳ hạn 3 tháng cho các tổ chức tín dụng với giá cao hơn 1% so với tỷ giá hối đoái tại thời điểm 31/12/2015. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước gửi thông điệp rằng vùng mục tiêu tỷ giá trong 3 tháng đầu năm sẽ biến động chỉ khoảng 1%,” ông Dũng nhấn mạnh. 

Gửi USD, rút VND có thể từ 2017 

Nhiều người dân tỏ ra lo lắng về thông tin cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ áp phí gửi USD, gửi mà rút ra thì chỉ được rút bằng tiền đồng, ông Nghĩa cho biết, chính sách này nằm trong lộ trình chống “đôla hóa” và làm tăng lợi thế của VND trên thị trường nội địa. Nó có thể sẽ được áp dụng khi Ngân hàng Nhà nước công bố kết thúc chương trình chống “đôla hóa” và ông dự đoán vào khoảng năm 2017. 

Còn ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC thì cho rằng, các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế việc găm giữ ngoại tệ sẽ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng. Lãi suất tiền gửi USD gần đây đã điều chỉnh về 0% cũng là một trong các biện pháp kỹ thuật này. Việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng phí gửi ngoại tệ và rút ra bằng tiền đồng sẽ được xem xét kỹ lưỡng nhằm đảm bảo lợi ích của người gửi tiền, sự an toàn của hệ thống ngân hàng để tránh việc người dân rút tiền gửi ngoại tệ ra khỏi hệ thống ngân hàng, và sự ổn định của thị trường ngoại hối. 

"Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước sẽ có một lộ trình dài hạn và từng bước trước khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật này," ông Hải dự đoán./.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư