Với việc FED tăng lãi suất, sức ép lên tỷ giá được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng. Ảnh: Tất Tiên |
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, sáng ngày 17/12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ mức tiệm cận 0% lên thêm 0,25%. Các chuyên gia trong nước dự báo, việc FED nâng lãi suất đồng USD sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD tại Việt Nam.
Sức ép về biến động tỷ giá
Trao đổi nhanh với phóng viên sáng ngày 17/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đang theo dõi sát diễn biến trên thị trường tiền tệ, đặc biệt là ngoại hối khi FED đã chính thức tăng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25%. NHNN cũng đánh giá, việc các ngân hàng thương mại tăng tỷ giá thời gian qua chủ yếu do tác động của yếu tố tâm lý và một phần nhu cầu thanh khoản cuối năm. “Chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến trên thị trường để có điều hành thật linh hoạt, thận trọng”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.
TS. Cao Sỹ Kiêm, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, động thái nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần 10 năm qua của FED có thể gây nguy cơ gia tăng rút, thoái vốn tại các nền kinh tế mới nổi, khiến các nền kinh tế này phải tìm biện pháp ứng phó. “Nhiều quốc gia có tỷ giá đồng nội tệ neo với đồng USD, trong đó có Việt Nam có thể cảm nhận được sức ép về biến động tỷ giá, đặc biệt trong những ngày gần đây, tỷ giá luôn ở mức kịch trần mà NHNN cho phép”, ông Cao Sỹ Kiêm nhận định.
Cũng theo ông Cao Sỹ Kiêm, việc FED tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến Việt Nam và Việt Nam sẽ phải điều chỉnh một loạt các mức lãi suất.
Có chung quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, lần tăng lãi suất cơ bản 0,25% chắc chắn sẽ làm giá trị của đồng USD tiếp tục tăng. “Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá chỉ là vấn đề sớm hay muộn, nếu không làm thời điểm này thì sang đầu năm 2016, NHNN cũng phải điều chỉnh vì chúng ta không nhìn thấy lý do giá trị của đồng USD giảm xuống”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Không quá lo ngại với động thái tăng lãi suất của FED, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho rằng: “Chính sách tiền tệ có một điều khá đặc biệt là nó phản ánh những kỳ vọng trước khi quyết định đưa ra. Việc FED tăng lãi suất đã được dự báo từ rất sớm, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đã đi trước một bước để đón đầu”.
Có hiện tượng găm giữ USD
Thực tế, tỷ giá đã bắt đầu căng thẳng từ tháng 8 và dù NHNN cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá 2 lần vào tháng 8 đã tính toán trước những biến động cho cuối năm 2015 và cả những tháng đầu năm 2016, nhưng với việc FED tăng lãi suất, sức ép lên tỷ giá được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, diễn biến những ngày gần đây cho thấy có hiện tượng găm giữ USD. Trước khi FED tăng lãi suất, tâm lý thị trường đã bị tác động mạnh trước các dự báo khả năng FED sẽ tăng lãi suất. Ngoài ra còn có yếu tố khách quan là vào cuối năm, nhu cầu USD để thanh toán hàng hóa, trả nợ... cũng tăng cao”, ông Nguyễn Trí Hiếu lý giải nguyên nhân thị trường găm giữ USD.
Nhiều chuyên gia có chung nhận định, xét về cung cầu, nguồn cung USD vẫn khá dồi dào, cán cân vẫn thặng dư, nhưng rất có thể giới đầu cơ sẽ tranh thủ quyết định tăng lãi suất của FED, cộng với thời điểm cuối năm để đẩy giá lên. Đây là lúc rất cần vai trò quản lý của nhà nước để ổn định thị trường.
Những ngày qua, trước thông tin FED tăng lãi suất, thị trường chứng khoán trong nước liên tục giảm điểm. Thanh khoản tiếp tục ở vùng thấp khi phần lớn nhà đầu tư vẫn lựa chọn “án binh”. Các chuyên gia nhận định, việc FED tăng lãi suất cơ bản chưa thể gây ra cú sốc lớn ngay lập tức bởi kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng khá vững chắc, cán cân thanh toán thặng dư, xuất khẩu tăng trưởng khá, nguồn cung ngoại tệ hoàn toàn có khả năng đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, khi FED nâng lãi suất cơ bản, chi phí vay vốn bằng USD sẽ tăng lên, áp lực lên tỷ giá cũng sẽ tăng. Lúc này, có thể lãi suất đồng nội tệ sẽ được điều chỉnh tăng để duy trì sự hấp dẫn. Và thực tế thị trường những ngày qua cho thấy lãi suất VND đang được xem xét để điều chỉnh tăng.