Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM:
Có nhiều động lực để kỳ vọng cho sự phục hồi và tăng trưởng
Dù còn rất khó khăn nhưng hoàn toàn có căn cứ để khẳng định chắc chắn thị trường bất động sản 2024 có triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng theo định hướng phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Động lực cho sự phục hồi và tăng trưởng này là việc Quốc hội khóa XV khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5 (sáng 15/1/2024) để xem xét một số vấn đề cấp bách, trong đó có Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Đến nay, dự luật này cơ bản đã được hoàn thiện, bao quát được tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chỉ đạo là hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và các luật có liên quan trên nguyên tắc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Thứ hai, “tổng cầu” nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của xã hội vẫn rất lớn, nhất là nhu cầu loại nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp.
Thứ ba, tầng lớp trung lưu vẫn đang tiếp tục xu thế tăng trưởng vững chắc, mặc dù hiện thu nhập của các tầng lớp dân cư nhìn chung đang bị sụt giảm.
Thứ tư, một số “vướng mắc pháp lý” về đầu tư xây dựng của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội đã từng bước được tháo gỡ. Điều này có nghĩa, tới đây, khoảng 1.000 dự án bất động sản trên cả nước nằm trong diện này sẽ được khơi thông, có cơ hội tiếp cận thuận lợi thị trường vốn, tín dụng để tái khởi động.
Thứ năm, sau một thời gian “thấm đòn”, doanh nghiệp bất động sản đã quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực, kéo giảm giá nhà về mức hợp lý. Đây chính là những tín hiệu để tin rằng thị trường bất động sản sẽ có triển vọng phục hồi, tăng trưởng trở lại từ nửa cuối năm 2024.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam:
Tác động tích cực từ các yếu tố về chính sách và pháp lý
Có thể thấy, trong năm 2023, thị trường nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM có sự đổi vai cho nhau khi thị trường Hà Nội đang đi theo xu hướng của thị trường TP.HCM ở 3 năm về trước. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2023, giá bán sơ cấp trung bình tại Hà Nội đạt 53 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 4,6% theo quý và 14,6% theo năm. Đây cũng là mức giá bằng với mức đã ghi nhận được ở TP.HCM giai đoạn 2020 - 2021. Trong khi đó, hiện giá bán sơ cấp căn hộ tại TP.HCM đã chững lại và đạt hơn 61 triệu đồng/m2, giảm 1,7% so với năm 2022, do số lượng nguồn cung cao cấp nằm ở các vị trí xa trung tâm nên kết nối chưa thuận lợi và nguồn cung trung cấp trong năm nay cao hơn năm trước.
Trong năm 2024, nguồn cung mới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại ở 2 thành phố lớn của cả nước. Tại Hà Nội, thị trường dự kiến ghi nhận gần 16.000 căn hộ chung cư và hơn 6.000 căn nhà ở thấp tầng mở bán mới, phần lớn đến từ các dự án đại đô thị ở phía Tây và phía Đông Thành phố. Tại TP.HCM, nguồn cung dự kiến duy trì hạn chế, đón nhận lần lượt hơn 9.000 căn hộ chung cư và 1.000 căn nhà ở thấp tầng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nguồn cung tiếp tục hạn chế, trong khi nhu cầu lớn sẽ khiến giá bán tiếp tục neo ở mức cao.
Nhìn về triển vọng thị trường bất động sản trong thời gian tới, tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất đang theo hướng bình ổn trở lại. Trong khi đó, các yếu tố về chính sách và pháp lý đang trong lộ trình sửa đổi và thông qua, bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất sẽ góp phần cải thiện niềm tin thị trường, từ đó giúp thị trường phục hồi trong năm 2024.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Group:
Khi những chính sách pháp lý đủ độ “ngấm”, thị trường sẽ ấm lên
Nguồn cung, sức cầu thị trường vào đầu năm 2024 không có nhiều biến động so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, từ quý III/2024 trở đi, kỳ vọng sẽ khởi sắc khi những chính sách pháp lý đủ độ “ngấm” lên thị trường, giúp tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, cũng như triển vọng phục hồi của nền kinh tế.
Về từng phân khúc, theo tôi, nguồn cung mới phân khúc đất nền ở phía Nam trong năm 2024 tiếp tục duy trì sự khan hiếm. Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới dự báo tăng so với năm 2023, dao động ở mức 12.000 - 15.000 căn. Nguồn cung mới và sức cầu phân khúc nhà phố/biệt thự dự kiến tăng nhẹ, đạt khoảng 1.200 - 1.500 căn. Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung condotel dự báo giảm so với năm 2023, dao động khoảng 800 - 1.000 căn, tập trung phần lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình. Trong khi đó, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng dự báo sẽ tương đương năm 2023, lần lượt dao động ở mức 250 - 300 căn biệt thự nghỉ dưỡng và 200 - 300 căn nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng.
Về giá, mặt bằng giá đất nền duy trì mức ổn định, khó có sự tăng giá đột biến trong năm 2024. Đối với căn hộ, mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động trong năm 2024 hoặc điều chỉnh tăng nhẹ trước áp lực của chi phí đầu vào. Phân khúc nhà phố/biệt thự có mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ở mức ổn định trong năm 2024, đồng thời, các chính sách kích cầu thị trường tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng. Riêng bất động sản nghỉ dưỡng, sức cầu chung thị trường tiếp tục đà giảm, kéo dài đến hết năm 2024. Mặt bằng giá sơ cấp duy trì ổn định và khó có những biến động rõ nét trong năm tới. Các chính sách chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết cho thuê… tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong năm 2024.