Từ nơi khó khăn nhất, sức sống mới đang “hồi sinh”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là lĩnh vực bị tác động tiêu cực nhất từ dịch Covid-19, hàng không và du lịch đã hồi sinh mạnh mẽ trở lại. Không chỉ vậy, dịch bệnh được kiểm soát cùng các chính sách hiệu quả của Nhà nước đang giúp nền kinh tế nước nhà ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, đảo ngọc Phú Quốc đón khoảng 1,4 triệu lượt khách du lịch, đạt hơn 70% kế hoạch năm. Ảnh: Lý Tuấn Ngọc
Trong 6 tháng đầu năm 2022, đảo ngọc Phú Quốc đón khoảng 1,4 triệu lượt khách du lịch, đạt hơn 70% kế hoạch năm. Ảnh: Lý Tuấn Ngọc

Từ hàng không, du lịch…

Trải qua 2 năm “ngủ đông”, ngành du lịch bắt đầu tỉnh giấc khi dịch bệnh được kiểm soát. Một trưởng phòng nhân sự của một doanh nghiệp ở phía Nam chia sẻ, rất khó tìm được địa điểm cho chuyến du lịch hàng năm của công ty tại những địa điểm như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang ngay cả sau các tháng cao điểm. Lý do là các khu nghỉ dưỡng đều đã hết phòng, hoặc không đủ để bố trí một lúc số lượng phòng lớn như công ty yêu cầu.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, đảo ngọc Phú Quốc đón khoảng 1,4 triệu lượt khách du lịch, đạt hơn 70% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế là 46.200 lượt. Doanh thu ước đạt hơn 2.840 tỷ đồng, tăng trên 46% so với cùng kỳ 2021, đạt 42% kế hoạch năm. Tỉnh Khánh Hòa cũng ghi nhận diễn biến tích cực từ du lịch khi doanh thu từ lĩnh vực này trong nửa đầu năm đã tăng 209,4% so với cùng kỳ 2021, ước đạt gần 5.550 tỷ đồng.

Giống như Khánh Hòa, Phú Quốc, các địa phương khác trên cả nước như Thanh Hóa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước và đem về nguồn thu lớn cho địa phương.

Các sân bay cũng đông đúc trở lại, thậm chí còn xảy ra tình trạng quá tải. Tính riêng trong quý II/2022, doanh nghiệp quản lý các sân bay cả nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ghi nhận doanh thu gấp 2,26 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.445 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế gấp 7,5 lần, đạt 426,3 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh của các hãng bay cũng được cải thiện đáng kể, Vietjet Air đạt 11.589 tỷ đồng doanh thu trong quý II/2022, gấp 3,27 lần cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 279,8 tỷ đồng, gấp 12,5 lần. Còn Vietnam Airlines dù trong quý II/2022 vẫn lỗ, nhưng tình hình kinh doanh đã được cải thiện nhiều với doanh thu đạt 18.323 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

… đến các ngành xuất khẩu

Sự phục hồi của ngành du lịch và của toàn nền kinh tế đến từ những chính sách hiệu quả của Chính phủ, đặc biệt là việc kiểm soát Covid-19. Điều này cũng được phản ánh qua kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành xuất khẩu như dệt may, thủy sản, nông nghiệp…

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nếu như trong quý II/2021, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều thành viên trong Tập đoàn gặp bất lợi do ảnh hưởng của dịch bệnh thì năm nay các doanh nghiệp này đều có lãi và hoạt động sản xuất ổn định. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của Vinatex tương đối khả quan với doanh thu hợp nhất đạt 9.668 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 982 tỷ đồng, tăng tương ứng 37,4% và 55,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG ghi nhận doanh thu đạt hơn 3.200 tỷ đồng (tăng 37%), lợi nhuận trước thuế đạt 125 tỷ đồng (tăng 54,6%); Công ty CP May mặc Bình Dương ghi nhận 897,7 tỷ đồng doanh thu (tăng 33,8%) và 97,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 55%); Công ty CP Dệt may Nam Định ghi nhận 646,5 tỷ đồng doanh thu (tăng 2,5%) và 64 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 30%)…

Trong lĩnh vực thủy sản, Công ty CP Vĩnh Hoàn báo lãi ròng nửa đầu năm nay gấp 3,4 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.332 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI lãi 430,8 tỷ đồng (gấp gần 9 lần); Công ty CP Nam Việt lãi 447 tỷ đồng (gấp 5,1 lần)…

Theo nhận định từ Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi nhanh. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước đạt mức khá 6,42% (GDP quý II tăng 7,72%, là mức tăng cao nhất của quý II so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay), tạo đà tăng trưởng cho những quý tiếp theo của năm 2022.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 5,07%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7%, đóng góp 48,33%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%. Khu vực dịch vụ tăng 6,60%, đóng góp 46,60%, trong đó một số ngành dịch vụ thị trường đã thể hiện dấu hiệu phục hồi tích cực như bán buôn, bán lẻ tăng 5,82%; vận tải, kho bãi tăng 8,13%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,19%.

Chuyên đề