Từ con số xuất siêu kỷ lục 11 tháng 2023: Doanh nghiệp cần tăng tốc, đón đầu cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bất chấp những khó khăn, thách thức của thị trường, nổi lên trong bức tranh kinh tế nước ta 11 tháng đầu năm 2023 là điểm sáng ấn tượng trong hoạt động xuất khẩu (XK) với con số xuất siêu kỷ lục gần 26 tỷ USD. Vui mừng với kết quả này, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp (DN) Việt vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nắm bắt tốt hơn cơ hội mới đang mở ra, hướng tới XK bền vững.
Trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 4,41 tỷ USD, tăng 36,3%
Trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 4,41 tỷ USD, tăng 36,3%

Xuất siêu lập kỷ lục

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, 11 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD). Trong đó, nông, thủy sản là một trong những nhóm hàng XK có đóng góp ấn tượng, như: rau quả đạt 5,32 tỷ USD, tăng 74,5%; gạo đạt 4,41 tỷ USD, tăng 36,3%; hạt điều đạt 3,31 tỷ USD, tăng 17,4%…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc một DN kinh doanh gạo tại phía Nam cho hay, từ tháng 7/2023 đến nay, giá gạo trên thị trường thế giới liên tục tăng cao và hiện đang ổn định nhưng mức giá vẫn rất cao do nhu cầu nhập khẩu của các nước khá lớn.

Theo ông Trung, tính đến ngày 1/11, so với nhóm quốc gia XK gạo lớn trên thế giới, giá gạo Việt Nam đang cao nhất. Đơn cử, giá gạo tấm 5% của Việt Nam đạt 653 USD/tấn, giá gạo Thái Lan 560 USD/tấn và giá gạo Pakistan 563 USD/tấn… Vì thế, đến thời điểm này, lượng gạo tồn kho của các DN XK còn thấp.

Về thị trường XK gạo, các DN không chỉ khai thác tốt các thị trường truyền thống Philipines, Indonesia…, mà còn khai thác tốt các thị trường mới, khó tính như: Nhật Bản, châu Âu…

“Đặc biệt, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa thông tin, trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại Gạo toàn cầu vừa tổ chức, Việt Nam đạt giải Nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới. Đây là cơ hội để hạt gạo Việt Nam tiếp tục khẳng định giá trị, vị thế của mình”, ông Trung nhìn nhận.

Với ngành thủy sản, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam cho hay, XK thủy sản tiếp đà phục hồi trong tháng 11/2023 khi XK tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng năm 2023, cả nước có 33 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch XK (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%). Nhiều mặt hàng XK chủ lực có tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước: điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,9 tỷ USD, tăng 20,2%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,7 tỷ USD, tăng 3,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4 tỷ USD, tăng 5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 1,6%...

Thúc đẩy xuất khẩu bền vững

Dự báo về triển vọng thị trường XK tháng cuối năm 2023 và năm 2024, trong đó có ngành gạo, các chuyên gia cho rằng, XK gạo vẫn có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, thách thức với XK gạo rất lớn. Lý do là, nếu Ấn Độ gỡ lệnh cấm XK gạo thì giá gạo trên thị trường thế giới có thể “xuống dốc không phanh”, có thể ảnh hưởng đến lượng và giá trị XK của gạo Việt Nam.

Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động XK trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, ông Nguyễn Chánh Trung cho rằng, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái, chuỗi giá trị XK gạo theo hướng bền vững, trong đó có những DN “sếu đầu đàn” dẫn dắt thị trường phát triển theo hướng cạnh tranh.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH KC Hà Tĩnh cho rằng, DN XK cần chia nhỏ đơn hàng để giảm rủi ro. Bên cạnh đó, DN XK gạo cũng phải chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững để có thể thâm nhập vào những phân khúc thị trường mang lại giá trị gia tăng cao.

Trong chia sẻ mới đây, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh cho rằng, DN cần có tư duy mới trong XK với việc đầu tư vào chế biến sâu nông sản, giúp DN vừa nâng cao sản lượng cũng như giá trị XK.

Đối với ngành thép, ông Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, xanh hóa sản xuất đang đặt ra thách thức rất lớn đối với các DN sản xuất thép để hướng đến phát triển XK bền vững. Tuy nhiên, đây là xu thế không thể đảo ngược và cũng sẽ mang lại cơ hội lớn cho các DN biết “đi tắt đón đầu”. Vì thế, ông Thái nhấn mạnh, DN thép cần có giải pháp chuyển đổi phù hợp để không bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, ngành điện Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển dịch xanh nhằm bảo đảm cung ứng điện phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh hướng tới XK hàng hóa vào những thị trường khó tính. Số lượng DN đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…) liên tục gia tăng, đóng góp chung vào sự phát triển của ngành và đất nước.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng, với những bước đi “xanh hóa” trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các DN Việt Nam sẽ nắm bắt được cơ hội phát triển khi thế giới ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

Chuyên đề