Tránh trói chân doanh nghiệp bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC-QCKT) đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Bởi thực tế có nhiều TC-QCKT như phòng cháy chữa cháy, thép xây dựng, chế biến thủy sản, tivi, 5G… đã và đang gây ra không ít khó khăn, cản trở cho DN trong việc thực thi cũng như sáng tạo sản phẩm mới, hội nhập quốc tế.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo phản ánh của DN trong ngành thép, ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, tiêu chuẩn nước ngoài về thép xây dựng CB300-T được giới hạn cháy là 300 Mpa, nhưng ở Việt Nam, TCVN 1651:2008 quy định là 295 Mpa. Về kỹ thuật, sự sai khác đó là rất nhỏ, không đáng kể, nhưng khi DN mang chứng nhận sự phù hợp được công nhận ở nước ngoài về thì không được công nhận, mà yêu cầu phải kiểm thử lại, khiến cho DN phải tốn thêm chi phí tuân thủ thủ tục.

Bà Đào Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, một sản phẩm xuất khẩu đã đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến, nhưng vẫn phải tuân thủ đầy đủ bộ TC-QCKT riêng của Việt Nam đã làm phát sinh thêm chi phí, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu. Mặt khác, việc đòi hỏi phải có văn bản thỏa thuận giữa các tổ chức chứng nhận trong và ngoài nước về tiêu chuẩn kỹ thuật (TCKT) cũng không khả thi.

Việc ban hành, áp dụng TC-QCKT không ổn định và nhất quán được ông Phạm Thanh Huy - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh là gây thiệt hại lớn cho DN, gây ra sự lãng phí nguồn lực xã hội. “Đơn cử như quy định bắt ép lắp đặt camera trên phương tiện vận tải trong bối cảnh các DN vận tải đang gặp vô vàn khó khăn, nhất là trong bối cảnh đang chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 bùng phát. Thời điểm đó, các DN vận tải đã lên tiếng rất nhiều, nhưng không những không nhận được sự cảm thông, chia sẻ của cơ quan quản lý nhà nước, mà DN còn nhận được câu trả lời: “camera bán đầy ngoài chợ”. Không còn cách nào khác, nếu không muốn bị phạt, thì DN phải lắp đặt camera”, ông Phạm Thanh Huy chia sẻ.

Thế nhưng, kể từ khi thực hiện (ngày 1/1/2023) cho đến nay, quy định này chưa có tác dụng thì DN lại phải tiếp tục thay đổi bởi một quy định mới khác bắt buộc phương tiện vận tải phải lắp đặt camera tại buồng lái và trong vòng 30s phải truyền âm thanh và hình ảnh về hệ thống quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, mấy trăm nghìn ô tô đã được DN đầu tư hàng nghìn tỷ đồng lắp đặt camera lúc trước phải vứt bỏ để đầu tư lắp đặt camera mới có bộ lưu trữ dữ liệu lớn mới đáp ứng yêu cầu này.

Mỗi khi xây dựng và ban hành một TC-QCKT, theo ông Đức, cơ quan quản lý nhà nước cần phải cân nhắc kỹ lưỡng tính cần thiết, trong đó chỉ ban hành QCKT trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Ví dụ trong 3 năm, trong số 72.141 lô hàng thiết bị điện tử viễn thông, tivi, máy tính, điện thoại, pin Lithium…, chỉ có 18 trường hợp vi phạm, tức là có tỷ lệ vi phạm rất thấp (0,025%) thì không cần thiết phải ban hành TC-QCKT đó.

Trước khi ban hành, theo chuyên gia Ban Pháp chế của VCCI, các QCKT đó phải được đánh giá về thời điểm có hiệu lực, lộ trình áp dụng, quy định chuyển tiếp, tránh thay đổi đột ngột. Thực tế đã có nhiều QCKT được ban hành đã gây lúng túng, khó khăn cho việc áp dụng như trường hợp thiếu quy định chuyển tiếp cho các công trình, nhà máy, dự án đầu tư trước thời điểm Quy chuẩn 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình được ban hành.

“Để đơn giản hóa thủ tục và giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho DN, mỗi TC-QCKT phải được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động. Đi kèm với hồ sơ tham vấn ý kiến cộng đồng DN phải có báo cáo đánh giá tác động, trong đó việc tuân thủ quy định về TCKT phải nêu rõ dự kiến có bao nhiêu lượt làm thủ tục hợp quy, chi phí thử nghiệm cho mỗi lượt. Tránh tình trạng ban hành QCKT có quá nhiều phép thử gây tốn kém cho DN như quy chuẩn tivi, quy chuẩn 5G…”, ông Đức khuyến nghị.

Mỗi khi ban hành một TC-QCKT nào đó, theo ông Phạm Thanh Huy, cần phải có lộ trình thực hiện phù hợp để DN có thời gian chuẩn bị cũng như tính tới thời gian khấu hao máy móc, thiết bị đầu tư.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Đào Thị Thu Huyền - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và túi xách cho rằng, Luật TC-QCVN cần phải phân biệt rõ hàng hóa xuất khẩu đã đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới với các sản phẩm lưu thông, phân phối trên thị trường Việt Nam mà chưa đạt được TCKT cao của thế giới. Luật TC-QCVN nên có quy định thừa nhận các TCKT của các nước tiên tiến, phát triển hơn mà không cần có thủ tục gì khác. “Nên chăng thành lập một tổ chức độc lập để hỗ trợ cho DN gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện”, bà Huyền đề xuất.

Những thực tế nêu trên được ông Hà Minh Hiệp - Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia chia sẻ là đã được cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhận diện, đưa vào Dự thảo Luật TC-QCKT để trình Quốc hội lần đầu vào tháng 10/2024. Trong đó, một số vướng mắc, gây khó khăn cho DN không phải do lỗi ở Luật TC-QCKT mà do hạn chế ở khâu thực thi hoạt động đánh giá sự phù hợp áp dụng theo quy định chuyên ngành.

Để tháo gỡ những điểm nghẽn này, ông Hiệp cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ đẩy mạnh cơ chế thừa nhận TCKT lẫn nhau giữa các nước; đẩy mạnh phân cấp; quy hoạch các tổ chức đánh giá sự phù hợp TC-QCKT; tăng cường tính minh bạch, đảm bảo tính công bằng và thúc đẩy hội nhập…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư