Trang đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá: Chưa khai sinh đã biết ngày “khai tử”?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng với định hướng xây dựng Hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến, định hướng sẽ “khai tử” các trang đấu giá trực tuyến (ĐGTT) được các tổ chức đấu giá tài sản (TCĐGTS) xây dựng và vận hành. Đây là chính sách lớn, tác động đến nhiều TCĐGTS đã và đang bỏ nhiều chi phí, nguồn lực để xây dựng trang ĐGTT của riêng mình.
Nhiều tổ chức đấu giá tài sản đã đầu tư lớn về kinh phí, nhân lực để xây dựng trang đấu giá trực tuyến. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Nhiều tổ chức đấu giá tài sản đã đầu tư lớn về kinh phí, nhân lực để xây dựng trang đấu giá trực tuyến. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Ngày 16/5/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ĐGTS (NĐ62), trong đó cho phép các TCĐGTS được thiết lập trang thông tin điện tử để tổ chức cuộc đấu giá dưới hình thức ĐGTT (gọi tắt là trang ĐGTT) và các điều kiện cụ thể để hình thành trang ĐGTT (Điều 13, 14, 15 và 16).

Theo nhiều TCĐGTS, quá trình chuẩn bị (nguồn lực, kinh phí, nhân sự…) để xây dựng trang ĐGTT bảo đảm đủ điều kiện theo quy định tại NĐ62 nhanh nhất cũng mất từ 2 - 3 năm. Sau gần 3 năm kể từ khi NĐ62 có hiệu lực, tháng 5/2020, trang ĐGTT đầu tiên do Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia xây dựng chính thức được phê duyệt đủ điều kiện. Tính tới ngày 15/8/2022, cả nước có 8 TCĐGTS được phê duyệt đủ điều kiện thực hiện ĐGTT. Cùng với đó, có không ít TCĐGTS đang đầu tư xây dựng trang ĐGTT hay đã hoàn thiện, nộp hồ sơ đề án chờ thẩm định phê duyệt đủ điều kiện thực hiện ĐGTT.

Trong khi đó, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ62, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến đối với việc xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng Hệ thống mạng ĐGTS quốc gia, cùng với đó bãi bỏ Điều 14, Điều 15, Điều 16 của NĐ62 và quy định chuyển tiếp đối với các trang ĐGTT của các TCĐGTS.

Theo đó, các đề án trang ĐGTT đã được nộp tới sở tư pháp địa phương theo đúng quy định tại NĐ62, trước ngày Nghị định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực (dự kiến) thì được tiếp tục thẩm định điều kiện và phê duyệt đủ điều kiện thực hiện ĐGTT. Trong thời gian Hệ thống mạng ĐGTS quốc gia chưa xây dựng, các trang ĐGTT của các TCĐGTS được phê duyệt sẽ tiếp tục được sử dụng để thực hiện hình thức ĐGTT đến hết ngày 31/12/2027.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Đấu giá Hợp danh tài sản quốc tế (ICA) cho biết, trong 3 năm qua, ICA đã đầu tư kinh phí, nhân lực để xây dựng trang ĐGTT (daugialive.vn) và đã nộp hồ sơ tới Sở Tư pháp Hà Nội để chờ được thẩm định, phê duyệt đủ điều kiện. Tuy nhiên, với Dự thảo Nghị định nêu trên, trang ĐGTT của doanh nghiệp này chưa khai sinh đã được ấn định ngày “khai tử”.

Ông Hải bày tỏ quan điểm, nếu tập trung hoạt động ĐGTT về Hệ thống mạng ĐGTS quốc gia, tiến tới dẹp bỏ hết các trang ĐGTT của các TCĐGTS thì sẽ rất lãng phí nguồn lực xã hội. Chưa kể, khi tập trung vào hệ thống duy nhất thì khả năng vận hành trơn tru để thực hiện bán ĐGTT số lượng lớn tài sản đấu giá, lượng truy cập khách hàng cùng lúc, cùng thời điểm ổn định, thông suốt là thách thức không nhỏ. Hệ lụy có thể là trục trặc Hệ thống do lỗi khách quan (xâm nhập trái phép Hệ thống, lỗi kỹ thuật,…), cũng có thể là trục trặc về mặt chủ quan (lộ thông tin người tham gia đấu giá, thiếu tính bảo mật…) tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, thì chủ thể đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật được xác định như thế nào? Để có tính cạnh tranh và tránh tiêu cực, nên vận hành song song Hệ thống và các trang ĐGTT của các TCĐGTS, tránh đi ngược với chủ trương xã hội hóa dịch vụ công trong hoạt động bổ trợ tư pháp.

Theo đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt, tâm lý của những TCĐGTS đã và chuẩn bị có trang ĐGTT sẽ bị tác động lớn bởi chính sách này. Bởi việc áp đặt thời điểm phải dừng hoạt động sẽ triệt tiêu nỗ lực đầu tư phát triển các trang ĐGTT. Không người lao động nào muốn cống hiến cho một trang ĐGTT mà sẽ phải dừng hoạt động sau 5 năm nữa, việc tiếp tục đầu tư cho các trang ĐGTT này cũng bị thui chột dần.

Hiện chưa có thống kê chính thức về số lượng TCĐGTS đã nộp đề án thực hiện hình thức ĐGTT và đang chờ các sở tư pháp địa phương phê duyệt cũng như số lượng TCĐGTS đang đầu tư để xây dựng trang ĐGTT. Theo dự báo thì số lượng này là không ít. Có ý kiến cho rằng, Dự thảo Nghị định bãi bỏ Điều 14, Điều 15, Điều 16 của NĐ62 tức là bãi bỏ các quy định về thẩm định, phê duyệt điều kiện thực hiện hình thức ĐGTT thì sẽ có không ít TCĐGTS “khóc dở mếu dở” khi trang ĐGTT của mình chỉ là sản phẩm trên giấy.

Chuyên đề