Hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia: Đề xuất vận hành song song để tăng cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tư pháp hiện đang định hướng xây dựng Hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia (HTMĐGTSQG) để các tổ chức đấu giá tài sản (TCĐGTS) thực hiện đấu giá trực tuyến (ĐGTT) các loại tài sản. Trong quá trình lấy ý kiến các bên liên quan, nhiều TCĐGTS cho rằng, nên vận hành song song Hệ thống và các trang ĐGTT của các TCĐGTS để tăng tính cạnh tranh, đảm bảo tính tự chủ trong hoạt động nghiệp vụ của TCĐGTS.
Một số ý kiến cho rằng, cần quy định rõ loại tài sản công nào sẽ được bán đấu giá trực tuyến trên Hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia. Ảnh: Tiên Giang
Một số ý kiến cho rằng, cần quy định rõ loại tài sản công nào sẽ được bán đấu giá trực tuyến trên Hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia. Ảnh: Tiên Giang

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ĐGTS (NĐ62) đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến, dự kiến chỉnh lý theo hướng xây dựng mô hình ĐGTT “tập trung”, theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về ĐGTS ở Trung ương sẽ xây dựng HTMĐGTSQG để các TCĐGTS tổ chức bán đấu giá theo hình thức ĐGTT các loại tài sản.

Để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch, khách quan, Dự thảo Nghị định quy định cụ thể các yêu cầu đối với HTMĐGTSQG như: công khai, không hạn chế truy cập, tiếp cận thông tin; người sử dụng nhận biết được thời gian thực khi truy cập vào Hệ thống; hoạt động liên tục, thống nhất, ổn định, an toàn; bảo mật về tài khoản truy cập, việc tham gia trả giá, giá đã trả và các thông tin về người tham gia đấu giá; có khả năng xác thực người dùng, bảo mật và toàn vẹn dữ liệu; hiển thị công khai, trung thực giá trả của người tham gia đấu giá; thực hiện ghi lại thông tin và truy xuất được lịch sử các giao dịch, mức giá được trả tại các cuộc đấu giá, việc rút lại giá đã trả và những thông tin cần thiết khác trong quá trình tổ chức đấu giá trên Hệ thống; hiển thị mức giá cao nhất được Hệ thống ghi nhận 30 giây một lần để những người tham gia đấu giá có thể xem được…

Ông Lê Anh Linh, đấu giá viên Công ty Đấu giá Hợp danh Bắc Trung Nam chia sẻ, có rất nhiều vấn đề cần phải lường trước khi thực hiện ĐGTT “tập trung” toàn quốc trên Hệ thống. Bởi, trình độ của người tham gia đấu giá hiện nay tham gia đa dạng các loại tài sản từ giá thấp tới cao, sự am hiểu về công nghệ thông tin, máy tính… là không đồng đều. Do vậy, trong quá trình triển khai ĐGTT, cần nhiều nhân viên để thường xuyên hỗ trợ khách hàng tham gia đấu giá. Trong trường hợp ĐGTT tại HTMĐGTSQG, có số lượng cuộc đấu giá lớn tập trung vào một đầu mối, lượng khách hàng tham gia đông, khi đó vấn đề hỗ trợ người dùng, nghẽn mạng… sẽ là thách thức không nhỏ. Nếu gặp các vấn đề về kỹ thuật, đường truyền… người tham gia đấu giá sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ tới quyền và lợi ích (không vào được phòng đấu giá để trả giá, không được tham gia đấu giá, thậm chí mất tiền đặt cọc…), tiềm ẩn phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện, ông Linh cảnh báo.

Bày tỏ đồng thuận trong việc cần xây dựng HTMĐGTSQG, hỗ trợ các TCĐGTS không có điều kiện xây dựng riêng trang ĐGTT. Song ông Linh cho rằng, để có tính cạnh tranh và tránh tiêu cực thì nên vận hành song song Hệ thống và các trang ĐGTT của các TCĐGTS; người có tài sản và TCĐGTS được quyền lựa chọn sử dụng Hệ thống/trang ĐGTT của TCĐGTS khác để thực hiện ĐGTT. Tính tới ngày 15/8/2022, cả nước đã có 8 TCĐGTS được phê duyệt đủ điều kiện thực hiện theo hình thức ĐGTT.

Góp ý cho việc sửa đổi NĐ62, ông Linh cho biết, hiện NĐ62 đang quy định quá chung chung, khó cho các TCĐGTS thiết kế, xây dựng trang ĐGTT, khó cho các Sở Tư pháp địa phương duyệt cấp phép đủ điều kiện tổ chức ĐGTT. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung NĐ62 cần quy định cụ thể chi tiết từ khâu đăng thông báo tới khâu đấu giá, thời gian tối thiểu cho cuộc đấu giá là bao lâu; những hồ sơ, tài liệu phải lưu trên trang ĐGTT để phục vụ cho khâu hậu kiểm sau này. Ngoài ra, cần quy định thêm những trường hợp vi phạm nào thì TCĐGTS sẽ bị thu hồi giấy phép của trang ĐGTT.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh Rồng Việt bày tỏ quan điểm, ĐGTT chỉ là một trong các hình thức đấu giá được các TCĐGTS sử dụng để thực hiện theo trình tự, thủ tục của ĐGTS và các trang ĐGTT do các TCĐGTS xây dựng là công cụ để thực hiện. Do đó, nên để người có tài sản và TCĐGTS được lựa chọn Hệ thống/trang ĐGTT để thực hiện bán ĐGTS theo hình thức trực tuyến; tránh quy định phải thực hiện tập trung ĐGTT tại HTMĐGTSQG sẽ gây hạn chế tính tự chủ trong hoạt động kinh doanh của TCĐGTS.

Một số ý kiến khác cho rằng, cần quy định rõ loại tài sản công nào sẽ được bán ĐGTT trên HTMĐGTSQG. Cùng với đó, phải xây dựng quy định pháp lý đầy đủ, đồng bộ tất cả các nội dung, trình tự trước, trong và sau cuộc ĐGTT để đảm bảo tính pháp lý.

Chuyên đề