Trái phiếu DN: Nhà đầu tư cẩn trọng phân tích, tránh nghe tin đồn thất thiệt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành. Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Đây là đề nghị của Bộ Tài chính trước tình trạng nhiều các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ. Có ý kiến cho rằng, đây là giải pháp phù hợp với nguyên tắc thị trường, song trong bối cảnh thị trường còn non trẻ, với những vụ việc mà nhà đầu tư và doanh nghiệp không có tiếng nói chung, nên chăng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc đưa ra giải pháp điều phối phù hợp, giảm thiểu thiệt hại cho các bên.

Thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

Trước các vi phạm của doanh nghiệp phát hành thời gian qua, trên thị trường xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị các chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo đó, đối với doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu. Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp; trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ: Các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện một số doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn dẫn đến trở ngại trong thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư, song việc cấp vốn tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp này là không dễ dàng.

Bởi lẽ, về mặt ổn định vĩ mô, sẽ rất khó để có thể có sự nới lỏng tiền tệ do áp lực lạm phát sang năm là khá lớn, do đó phải thận trọng trong các biện pháp điều hành về tiền tệ. Mặt khác, hệ thống ngân hàng dù đã được củng cố đáng kể trong thời gian vừa qua song chưa thực sự vững mạnh, nhiều khoản nợ xấu vẫn đang “khoanh” ở VAMC chứ chưa được xử lý triệt để.

“Cũng cần nhấn mạnh tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh. Nên cần hết sức cân nhắc các biện pháp can thiệp mang tính phi thị trường của Nhà nước”, ông Việt nói.

Từng nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tài chính và nghiên cứu về hoạt động của doanh nghiệp, ông Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng: “Khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư phải nắm chắc nguyên tắc của thị trường là doanh nghiệp tự vay và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong trường hợp có những biến cố nhất định, như rủi ro chính sách gây tổn thương cho thị trường thì cơ quan chức năng nên xem xét giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư”.

Theo ông Minh, một số biến cố trên thị trường trái phiếu trong thời gian qua là các vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách theo hướng quy định khắt khe hơn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng gây khó khăn cho hoạt động phát hành trái phiếu, đồng thời các kênh huy động vốn khác cũng “kẹt” khiến một số doanh nghiệp đối mặt rủi ro không trả nợ trái phiếu đúng hạn cho nhà đầu tư.

“Trong bối cảnh thị trường non trẻ, quy mô vẫn còn khiêm tốn và các biến động chính sách tác động đến thị trường, cơ quan chức năng cũng nên hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư bằng cách có thể làm vai trò điều phối giải pháp giữa hai bên. Mặt khác, trong một số trường hợp nhất định, cơ quan chức năng có thể xem xét việc tham gia tái cơ cấu nợ của doanh nghiệp, tái cơ cấu dự án để hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư tìm phương án phù hợp, giảm thiểu thiệt hại cho họ. Hoặc trong trường hợp nguồn lực tài chính nhà nước cho phép, Nhà nước có thể đóng vai trò nhà đầu tư, mua lại nợ của doanh nghiệp với giá rẻ, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp và sau đó hoán đổi nợ thành cổ phần của Nhà nước”, ông Minh nói.

Chuyên đề