TP.HCM: Xử lý như thế nào với dự án bất động sản bỏ hoang?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng loạt dự án bất động sản ở TP.HCM, dù đã có quyết định chủ trương đầu tư, hoặc được chấp thuận chủ trương đầu tư đã lâu, nhưng vẫn không "nhúc nhích". Việc không triển khai, để đất bỏ hoang từ năm này sang năm khác không chỉ gây lãng phí, mà còn làm "xấu" bộ mặt đô thị.
Xung đột lớn nhất vẫn là việc xác định giá đất để bồi thường còn quá thấp so với giá đất thực tế. Ảnh minh họa: Bảo Tín
Xung đột lớn nhất vẫn là việc xác định giá đất để bồi thường còn quá thấp so với giá đất thực tế. Ảnh minh họa: Bảo Tín

Trong 24 quận, huyện, thành phố ở TP.HCM, tình trạng các dự án bất động sản không triển khai có xu hướng tập trung nhiều ở các quận, huyện vùng ven.

Tại huyện Bình Chánh, có đến 87 dự án nhà ở hết hiệu lực, đang nằm dàn trải ở 13/15 xã và 1 thị trấn. Đỉnh điểm, ở xã Bình Hưng có 34 dự án, xã An Phú Tây có 15 dự án và xã Phong Phú có 11 dự án trong diện này.

Hồi tháng 7 năm ngoái, UBND huyện Bình Chánh đã gửi văn bản tới 87 chủ đầu tư dự án nói trên, yêu cầu triển khai theo đúng quyết định chủ trương đầu tư. Nếu không thực hiện hoặc không thi công hay làm các thủ tục đưa dự án vào triển khai trong vòng một năm, thì UBND Huyện sẽ có văn bản đề nghị UBND TP.HCM thu hồi. Tuy nhiên, đến nay, 87 dự án ấy vẫn im lìm để cỏ mọc.

Ở huyện Củ Chi, tình trạng này cũng diễn ra tương tự khi có rất nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hơn 10 năm nay, nhưng hiện số lượng hoàn thành chỉ đạt 30/95 dự án. Điểm chung các dự án "dậm chân tại chỗ" này là chưa làm gì, nhưng chủ đầu tư vẫn kiến nghị xin tiếp tục thực hiện.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, nguyên nhân chậm triển khai thực hiện của nhiều dự án chủ yếu do vướng mắc ở khâu bồi thường, tái định cư. Trong đó, xung đột lớn nhất vẫn là việc xác định giá đất để bồi thường căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành còn quá thấp so với giá đất thực tế.

Một nguyên nhân khác khiến nhiều dự án không thể thực hiện là bởi ngân hàng không đồng ý cho vay khi pháp lý và tiến độ "chưa đâu vào đâu", cộng thêm nhiều chủ đầu tư thực lực tài chính yếu, kinh nghiệm làm dự án chưa có.

Thực trạng hàng trăm dự án bất động sản ở TP.HCM bỏ hoang nhiều năm, không chỉ khiến cho bộ mặt Thành phố thêm nhếch nhác, mà cuộc sống người dân ở những khu vực có dự án bất động sản rơi vào dạng này cũng lao đao, khổ sở vì bị quy hoạch "treo".

Việc TP.HCM tính đến biện pháp thu hồi lại quyết định đầu tư hoặc chủ trương đầu tư của những dự án "bất động" là cần thiết. Ảnh minh họa: Bảo Tín

Việc TP.HCM tính đến biện pháp thu hồi lại quyết định đầu tư hoặc chủ trương đầu tư của những dự án "bất động" là cần thiết. Ảnh minh họa: Bảo Tín

Để đồng hành với chủ đầu tư, từ nhiều năm nay, các quận, huyện, thành phố ở TP.HCM đã liên tục đốc thúc, tìm cách tháo gỡ, nhưng kết quả vẫn không như mong đợi.

Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh chia sẻ, từ năm ngoái Huyện đã thành lập một trung tâm hỗ trợ, gỡ khó cho các doanh nghiệp. Tới đây, Huyện sẽ tập hợp, rà soát các dự án hết hiệu lực mà đã có văn bản nhắc nhở đưa vào triển khai trước đó, để báo cáo UBND TP.HCM và xin ý kiến chỉ đạo.

Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi cũng cho hay, hồi tháng 9 năm ngoái, UBND TP.HCM cũng đã có chỉ đạo gỡ vướng đối với các chậm triển khai. Qua đó, giao các sở, ban ngành theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp Huyện nghiên cứu, hướng dẫn giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, tồn đọng cho doanh nghiệp.

Đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài, chưa có sự thống nhất trong xử lý giữa các cơ quan, đơn vị, thì giao các sở, ban ngành tham mưu, đề xuất phương án giải quyết, trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định.

Mặc dù hiện nay UBND TP.HCM chưa có kết luận cuối cùng đối với các dự án chậm tiến độ ở trên, nhưng theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, nhiều khả năng các dự án đã hết hiệu lực mà không có dấu hiệu thi công sẽ bị "trảm". Đây cũng là hướng mà nhiều quận, huyện, thành phố đang dự kiến đề xuất cho lãnh đạo Thành phố xử lý.

Trong một báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi UBND TP.HCM vào ngày 12/6/2023, sở này cho biết đang thụ lý 117 hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, qua sàng lọc, có đến 62 dự án không đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở.

Lý do Sở Kế hoạch và Đầu tư phân loại như vậy là vì nhóm này không có đất ở hoặc không nhận chuyển toàn bộ đất ở theo quy định tại Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở năm 2014.

Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị loại bỏ 62 dự án này, đồng thời thông tin cho nhà đầu tư được biết về việc không tiếp tục xử lý hồ sơ đề nghị của nhà đầu tư.

Tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia bất động sản, đa số đều cho rằng, tình trạng quỹ đất để phát triển dự án ngày càng khan hiếm, khiến nguồn cung nhà ở cạn kiệt, do đó giá nhà bị đẩy lên cao, dẫn tới người nghèo càng xa vời với giấc mơ an cư.

Cho nên, việc các chủ đầu tư "xí đất" xong rồi để đó không làm gì hoặc tìm cách chuyển nhượng lại dự án để kiếm lời là không thể chấp nhận. Điều này cho thấy, việc TP.HCM tính đến biện pháp thu hồi lại quyết định đầu tư hoặc chủ trương đầu tư của những dự án "bất động" là cần thiết. Làm như vậy, vừa tránh lãng phí tài nguyên đất đai, vừa làm đẹp cho bộ mặt đô thị, vừa giải quyết được bài toán về chỗ ở cho người dân.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư