Việc sử dụng hiệu quả nguồn nhà đất tái định cư vẫn là bài toán chưa có lời giải. |
Cụ thể, có 9.173 căn hộ và 2.197 nền đất tái định cư chưa sử dụng tại 161 dự án trên địa bàn thành phố. Nghịch lý ở chỗ, thành phố đang rất cần nguồn cung nhà ở giá rẻ cho người lao động và người có thu nhập thấp. Kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho thấy, đang có gần 100.000 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TPHCM có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, hàng chục nghìn căn nhà tái định cư bỏ hoang.
Đơn cử như Khu tái định cư Bình Khánh thuộc Quận 2, TPHCM nằm giữa trung tâm bán đảo Thủ Thiêm là một ví dụ. Với diện tích đất rộng 38,4 ha và hàng chục khối nhà đồ sộ; khu tái định cư lớn nhất TPHCM có tới 12.500 căn hộ và được xây dựng hoàn thành từ năm 2015. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, nhiều khối nhà vẫn cửa đóng then cài và đang xuống cấp trầm trọng.
Là một trong số rất ít gia đình dọn về đây sinh sống sau khi TPHCM thu hồi đất để xây khu đô thị mới Thủ Thiêm, vợ chồng anh Nguyễn Thạch ở khu tái định cư Bình Khánh cho biết, tuy nằm ngay trục đường lớn Mai Chí Thọ rất đắc địa, nhưng vì giá bán nhà tái định cư ở đây khá đắt, nhiều người không đủ tiền mua, nên cuối cùng họ đành phải rao bán lại suất nhà của mình cho người khác. “Nếu so sánh nơi ở cũ thì nơi đây sống thoải mái hơn về giao thông cũng như an ninh. Ngặt nỗi người dân tái định cư khi ở đây đều không tính được kế sinh nhai, bởi hạ tầng không phù cho người dân làm ăn, buôn bán. Hơn nữa, người dân trước đã quen nếp sinh hoạt cũ, chưa quen với lối sống ở chung cư”, anh Thạch cho biết.
Không riêng gì khu tái định cư Bình Khánh ở Quận 2, tại huyện Bình Chánh cũng đang có khu tái định cư Vĩnh Lộc B nằm phơi mưa nắng. Với nguồn vốn đầu tư hơn 10 năm trước tới 1.000 tỉ đồng, năm 2011 khu nhà ở này đã đưa vào hoạt động. Trên 529 nền đất và 45 block chung cư gồm 1.939 căn hộ, khu tái định cư Vĩnh Lộc B được xây dựng đồng bộ bằng nhiều công trình phụ trợ như siêu thị, khu thể thao, trường học… Nhưng hầu hết các hộ gia đình được phân về đây thuộc diện tái định cư ở đường Bùi Viện, kênh Tham Lương và một số chương trình chỉnh trang nội đô… đều không muốn về vì cho rằng cách quá xa trung tâm thành phố.
Báo cáo kiểm toán “hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016-2020 của TPHCM” vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố đã chỉ ra, TPHCM đang lãng phí hàng nghìn tỉ đồng với hơn một nửa số quỹ nhà đất tái định cư dôi dư. Một số dự án có thời gian đầu tư kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm, chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.
Giải pháp được UBND TPHCM đưa ra, đó là có 3 hướng giải quyết đối với số lượng nhà, đất này. Thứ nhất, phân bổ cho quận, huyện để phục vụ tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích là 3.426 căn hộ và nền đất.
Thứ hai, bán đấu giá 5.063 căn hộ và nền đất. Thứ ba, dự phòng 2.881 căn hộ và nền đất để phục vụ di dời các trường hợp khẩn cấp, bất khả kháng như cháy nổ, sạt lở bờ sông, kênh rạch, di dời người dân sống trong các chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng cần thiết theo quy định.