TP.HCM: Nhiều khu công nghiệp để trống đất, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thanh tra Chính phủ khẳng định, công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với một số khu công nghiệp ở TP.HCM suốt thời gian qua có nhiều sai phạm, dẫn đến lãng phí tài nguyên đất và gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Khu công nghiệp Hiệp Phước là một trong những khu công nghiệp có dính đến sai phạm, vừa được Thanh tra Chính phủ nêu tên. Ảnh: Internet
Khu công nghiệp Hiệp Phước là một trong những khu công nghiệp có dính đến sai phạm, vừa được Thanh tra Chính phủ nêu tên. Ảnh: Internet

Doanh nghiệp thuê đất rồi để trống

Trường hợp điển hình nhất có thể kể đến là Công ty CP Hùng Vương đã thuê 41.767,6 m2 đất tại Khu công nghiệp Hiệp Phước từ nhiều năm nay nhưng không đưa vào khai thác sử dụng, trong khi phía Chủ đầu tư khu công nghiệp này cũng chẳng có động thái nào để thúc đẩy doanh nghiệp đã thuê đất triển khai dự án.

Việc để đất trống như trên không chỉ xảy ra tại Khu công nghiệp Hiệp Phước mà còn phổ biến ở nhiều nơi khác. Đơn cử, tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Công ty CP Đầu tư Việt Nam cũng đang bỏ trống 7.273,72 m2. Ở Khu công nghiệp Tân Bình, Công ty TNHH Nga Băng Cốc cũng để dãi dầu mưa nắng 4.000 m2 đất.

Theo Thanh tra Chính phủ, không chỉ không đưa vào khai thác sử dụng đất, nhiều khu công nghiệp còn để xảy ra tình trạng chậm giải phóng mặt bằng, với với tổng diện tích lên đến 159,82 ha.

Một loạt khu công nghiệp nằm trong danh sách này không thể kể đến là: Khu công nghiệp Cơ khí ô tô: 9,88 ha; Khu công nghiệp Đông Nam: 5,8 ha; Khu công nghiệp Hiệp Phước - giai đoạn 2: 40,4 ha.

Tiếp đó, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân: 6,91 ha; Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3: 25,99 ha; Khu công nghiệp Tân Phú Trung: 52,6223 ha; Khu công nghiệp Tân Tạo: hiện hữu là 1,59 ha, mở rộng là 3,4 ha; Khu công nghiệp Vĩnh Lộc là 13,317 ha.

Ngoài ra, tại một số khu công nghiệp còn vi phạm việc tính tiền thuê đất, khiến cho ngân sách nhà nước thất thu không ít.

Cụ thể, tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chỉ, đã tính tiền thuê đất diện tích 919.095 m2 không đúng thời gian của các hợp đồng thuê đất theo quy định, dẫn đến chậm nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Chưa hết, cho Công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn thuê đất nhưng để đất trống 24 ha và không có biện pháp xử lý, để lãng phí chồng lên lãng phí.

Tại Khu công nghiệp Tân Bình, UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 không phù hợp vói quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; không tiến hành phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, không lập điều lệ quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng và phê duyệt diện tích cây xanh 7,43 ha chiếm 7,01% là không đúng quy định về tỷ lệ cây xanh chiếm 10%.

Chỉ rõ sai phạm, kiến nghị xử lý triệt để

Trong thông báo kết luận thanh tra liên quan đến những vấn đề nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ: nguyên nhân trước hết thuộc lãnh đạo các sở, ngành, UBND TP.HCM và các cá nhân liên quan chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng.

Cụ thể, đã quản lý đầu tư, xây dựng thiếu chặt chẽ, có nơi bị buông lỏng, tình trạng vi phạm quy hoạch, giấy phép xây dựng còn diễn ra nhưng chưa được kiểm tra và xử lý kịp thời... nên đã dẫn đến hậu quả như trên.

"Trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, khuyết điểm, sai phạm tại các khu công nghiệp nêu trên thuộc các chủ đầu tư khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng..., UBND các quận, huyện có khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghiệp Thành phổ và UBND TP.HCM", Thanh tra Chính phủ kết luận.

Vẫn theo Thanh tra Chính phủ, đối với các bộ, ngành liên quan cũng đã có liên đới khi chưa thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và xử lý kịp thời những tồn tại, bất cập về cơ chế quản lý trong công tác quy hoạch, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng.

Trên cơ sở nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm tại các khu công nghiệp. Trường hợp vượt thẩm quyền hoặc có dấu hiệu hình sự thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Đồng thời, UBND Thành phố có biện pháp giải quyết, xử lý đối với đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp có vi phạm, truy thu tiền sử dụng đất, thu hồi các khoản thu không hợp pháp từ việc vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, yêu cầu chủ đầu tư sớm khắc phục triệt để các vi phạm, nhất là vi phạm liên quan đến việc sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình không đúng quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, chưa trồng cây trên đất trồng cây xanh theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra việc quản lý, sử dụng 17,7 ha đất tái định cư, đảm bảo không gây thất thoát, thiệt hại tài sản của Nhà nước...

Trắng đen là đã rõ, vấn đề còn lại đang chờ biện pháp khắc phục và xử lý sai phạm của các bên liên quan.

Chuyên đề