TP.HCM: Nhiều dự án nhà ở thương mại bị đình trệ do chưa được đóng tiền sử dụng đất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công tác tính tiền sử dụng đất các dự án nhà ở thương mại đã hoàn thành xây dựng lâu nay vẫn chưa thể thông suốt do vướng cơ chế, khiến không chỉ ngân sách Thành phố thất thu, chủ đầu tư gặp khó khăn, mà khách hàng mua nhà cũng liên lụy theo.
Việc chưa được hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước để huy động vốn khiến nhiều chủ đầu tư mỏi mòn chờ đợi. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Việc chưa được hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước để huy động vốn khiến nhiều chủ đầu tư mỏi mòn chờ đợi. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Hiện nay, tại TP.HCM, rất nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã xây dựng xong hạ tầng và phần móng của nhà chung cư, đủ các điều kiện được huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai cho khách hàng, nhưng do chưa được Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Tài chính trình UBND Thành phố phê duyệt tiền sử dụng đất nhằm sớm hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước để được huy động vốn nên cứ mỏi mòn chờ đợi.

Đơn cử như Dự án khu nhà ở cao tầng quy mô lớn của Công ty P. tại Phường Phú Thuận, Quận 7 đã nhận đặt cọc giữ chỗ của khách hàng, nhưng chưa thể ký kết hợp đồng mua bán nhà, vì cho đến nay Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Tài chính vẫn chưa trình Hội đồng thẩm định giá đất Thành phố để trình UBND Thành phố phê duyệt tiền sử dụng đất dự án. Dự kiến số tiền tiền sử dụng đất của riêng dự án này lên đến khoảng 1.500 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn Thành phố hiện có 63 dự án của 17 doanh nghiệp với hơn 30.042 căn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) cho khách hàng mua nhà. Nếu đẩy nhanh công tác tính tiền sử dụng đất của vài chục dự án nêu trên thì sẽ có thêm nguồn thu rất lớn cho ngân sách Thành phố, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Từ những bất cập trên, theo các chuyên gia kinh tế, UBND Thành phố cần chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Tài chính khẩn trương phối hợp để giải quyết công tác tính tiền sử dụng đất dự án, đồng thời đẩy nhanh công tác cấp “sổ đỏ” cho người mua nhà.

Cụ thể, đối với các dự án nhà ở thương mại mà UBND Thành phố đã ban hành Quyết định về tiền sử dụng đất của dự án, đề nghị không phải tính lại tiền sử dụng đất bổ sung; bởi lẽ không có phát sinh thêm tiền sử dụng đất, vì đã được áp dụng “phương pháp thặng dư” để xác định giá đất, để tính tiền sử dụng đất phải nộp, đã tính toàn bộ chi phí đầu tư và đã tính toàn bộ doanh thu của dự án, bao gồm cả doanh thu của toàn bộ tầng hầm, kể cả phần diện tích tầng hầm vượt ra ngoài diện tích xây dựng khối đế nhà chung cư.

Nhưng nếu Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Tài chính vẫn giữ nguyên yêu cầu chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất bổ sung, thì đề nghị tính nhanh tiền sử dụng đất bổ sung để chủ đầu tư dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính để sớm làm được “sổ đỏ” cho khách hàng.

Trường hợp các dự án nhà ở thương mại mà Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Tài chính yêu cầu chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất bổ sung đối với phần diện tích đất xây dựng đường nội bộ, nhóm cây xanh nằm ngoài ranh xây dựng khối đế của nhà chung cư, nhưng vẫn thuộc khu “đất xây dựng khu chung cư” thì đề nghị không phải tính lại tiền sử dụng đất bổ sung, bởi lẽ không có phát sinh thêm tiền sử dụng đất, vì đã được áp dụng “phương pháp thặng dư” để xác định giá đất, để tính tiền sử dụng đất phải nộp, đã tính toàn bộ chi phí đầu tư và đã tính toàn bộ doanh thu của dự án.

Nếu Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Tài chính vẫn giữ nguyên yêu cầu chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất bổ sung đối với phần diện tích đất xây dựng đường nội bộ, nhóm cây xanh nằm ngoài ranh xây dựng khối đế của nhà chung cư, thì đề nghị tính nhanh tiền sử dụng đất bổ sung để chủ đầu tư dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung, để sớm làm được “sổ đỏ”.

Hiện nay, có khoảng 10 dự án nhà ở thương mại mà chủ đầu tư đã “tạm nộp” một phần tiền sử dụng đất vào ngân sách Thành phố, nhưng vẫn chưa có Quyết định về tiền sử dụng đất của UBND Thành phố, nên chủ đầu tư chưa thể thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Điều này dẫn đến tình trạng chủ đầu tư không thể làm được “sổ đỏ” cho khách hàng mua nhà, trong đó có dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng sử dụng ổn định trong các năm qua, làm phát sinh tình trạng khiếu kiện ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, những vấn đề nêu trên đã được Hiệp hội kiến nghị nhiều lần, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được tháo gỡ. Trong bối cảnh khó khăn do tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay, đã đến lúc Thành phố không nên chậm trễ nữa.

Vẫn theo ông Châu, đứng trên quan điểm này, trong quá trình làm, đề nghị không phải tính lại tiền sử dụng đất bổ sung đối với các dự án đã có Quyết định của UBND Thành phố về tiền sử dụng đất, bởi lẽ không có phát sinh thêm tiền sử dụng đất, vì đã áp dụng “phương pháp thặng dư” để xác định giá đất, để tính tiền sử dụng đất phải nộp.

Chuyên đề