Trong quý III năm nay, thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê ở TP.HCM tiếp tục chứng kiến sự mở rộng của khối ngoại với sự xuất hiện của một số thương hiệu quốc tế ngành thời trang, thể thao, F&B. Ảnh: Internet |
Theo tìm hiểu, trong quý III/2022, thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê ở TP.HCM tiếp tục chứng kiến sự mở rộng của khối ngoại với sự xuất hiện của một số thương hiệu quốc tế ngành thời trang, thể thao, F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống).
Ở khu vực trung tâm Quận 1, hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng như McLaren, Beverly Hills Polo Club, ViinRiic Galeries De Parfumes, Maestro, De Obelly và Sohee đã đi vào hoạt động, mở ra những không gian mua sắm mới đầy sôi động và hấp dẫn.
Cùng lúc đó, vào tháng 9 vừa qua, Decathlon cũng đã chính thức khai trương tại Vạn Hạnh Mall, Quận 10 và thương hiệu thời trang Hàn Quốc 8seconds đã khai trương tại tầng 1, Trung tâm mua sắm Aqua City, Đồng Nai.
Trong các phân khúc bất động sản, mặt bằng bán lẻ cho thuê và văn phòng cho thuê “sống tốt” hơn cả các phân khúc còn lại trong bối cảnh hiện nay.
Số liệu thống kế của CBRE Việt Nam cho biết, trong quý III, tại TP.HCM, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một của các trung tâm mua sắm ở khu vực trung tâm đạt mức 185 - 250 USD/m2/tháng, tăng 52,1% theo năm, gấp hơn 5 lần so với giá thuê ở khu vực ngoài trung tâm (38 USD/m2/tháng), chưa bao gồm thuế VAT và phí dịch vụ.
Đặc biệt, tỷ lệ trống được ghi nhận có sự cải thiện ở cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm so với quý trước. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy quý III tại khu vực trung tâm đạt gần 93,8%, tăng 1,0 điểm phần trăm theo quý. Trong khi đó, khu vực ngoài trung tâm TP.HCM còn trống 11,4%, giảm 1,2 điểm phần trăm theo quý. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ trống ghi nhận xu hướng tăng với mức 4,3 điểm phần trăm theo năm ở khu vực trung tâm.
Nhận xét về tình hình hoạt động của thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê trong 9 tháng đầu năm 2022, bà Thanh Phạm - Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn tại CBRE Việt Nam cho hay, giá chào thuê khu vực trung tâm vẫn duy trì đà tăng, đặc biệt là ở các vị trí đắc địa khi các nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập và mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
CBRE cũng ghi nhận tỷ lệ trống có xu hướng giảm nhẹ ở khu vực ngoài trung tâm do một số thương hiệu dịch chuyển xu hướng mở rộng ra ngoài trung tâm và các trung tâm thương mại đang đảo lại ngành hàng cho phù hợp với nhu cầu mua sắm và mở rộng của thương hiệu sau Covid-19.
Về nguồn cung tương lai, TP.HCM dự kiến sẽ đón thêm 1 nguồn cung mới vào cuối năm nay với 35.000 m2 diện tích sàn kinh doanh (NLA) từ Trung tâm thương mại Thiso tại TP. Thủ Đức, và 144.000 m2 NLA trong giai đoạn 2023 - 2024.
CBRE ghi nhận số lượng yêu cầu hỏi thuê tăng trưởng khả quan, đặc biệt tập trung vào các ngành hàng như F&B, thời trang - phụ kiện, phong cách sống, chiếm gần 87% tổng số lượng yêu cầu hỏi thuê. Ngành hàng F&B tiếp tục dẫn đầu số lượng hỏi thuê với mức tăng 26% theo quý kể từ đầu năm 2022.
Chia sẻ về triển vọng thị trường, bà Thanh Phạm cho rằng, giá chào thuê khu vực đắc địa ở TP.HCM sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới với sự quan tâm của các nhà bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam, do đó các thương hiệu cần nắm bắt cơ hội để mở rộng.
Tuy nhiên, do lạm phát tăng sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, nên các doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành được dự báo sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn, tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ có thể không cao như kỳ vọng trước đây.