TP.HCM: Lo ngại rủi ro khi "lướt sóng" bất động sản dịp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xu hướng “lướt sóng” bất động sản ở TP.HCM, nhất là vào những tháng cuối năm 2021, đang gia tăng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia e ngại vì cho rằng nhà đầu tư rất dễ bị “mắc cạn”.
Nhiều chuyên gia e ngại "lướt sóng" bất động sản trong thời điểm này rất dễ bị “mắc cạn". Ảnh minh họa: Gia An
Nhiều chuyên gia e ngại "lướt sóng" bất động sản trong thời điểm này rất dễ bị “mắc cạn". Ảnh minh họa: Gia An

Anh Trung, nhà ở quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, những tháng qua, bất chấp dịch bệnh, việc mua bán bất động sản của anh vẫn kiếm được những khoản lời kha khá. Mới đây, khi nghe thông tin huyện Bình Chánh sẽ được nâng lên thành quận hoặc thành phố trong vài năm tới, anh quyết định bán một căn nhà ở quận Bình Tân với số tiền gần 4 tỷ đồng để mua một lô đất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh nhằm chờ thời.

Theo tính toán của anh Trung, 1m2 đất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh giá chỉ vài triệu đồng, nếu cao lắm cũng chỉ ở mức 10 triệu đồng. Nghĩa là, bỏ ra 4 tỷ đồng lúc này có thể mua được từ 500 m2 đến cả ngàn m2 đất nông nghiệp. Nếu qua năm 2022, thị trường tốt thì bán ngay để hưởng chênh lệch. Hoặc khoảng 5 năm sau, miếng đất trên không vướng quy hoạch, chuyển đổi lên đất thổ cư được, thì anh dự tính số tiền thu về sẽ tăng vài ba lần.

Đầu năm nay, sau khi Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất ý tưởng thành lập thành phố Tây Bắc trên cơ sở gộp hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, giới đầu tư cá nhân, nhất là những nhà đầu tư F0, đã chuyển hướng về hai huyện nói trên mua đất khá nhiều và đến nay vẫn tiếp tục “săn lùng”.

Anh Sơn, một môi giới đất ở xã Bà Điểm (Hóc Môn), cho biết, nhiều người ít vốn, phải vay ngân hàng mua đất, sau đợt dịch vừa rồi đã chấp nhận bán lại với giá lỗ từ 3 - 5%. Những người nhiều vốn đang giữ lại để chờ bán khi thị trường tốt hơn. Triết lý đón đầu trong đầu tư bất động sản là không mới, nhưng không phải ai cũng thành công, bởi thị trường luôn có quy luật riêng và rủi ro riêng của nó.

Khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy, xu hướng tìm kiếm đất ở các huyện ngoại thành TP.HCM như: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ thời gian vừa qua và gần đây tương đối sôi động. Trong đó, những người nhiều vốn thường hay tìm kiếm những thửa đất có diện tích rộng của người dân bán lại để mua. Người ít vốn thì tìm mua đất nền trong các dự án, được phát triển bởi các chủ đầu tư, do tiến độ thanh toán được chia nhỏ nhiều lần, dễ đóng.

Có thể nói, nguồn tiền đổ vào bất động sản vùng ven không ngừng tăng, nhất là khi Tết Nguyên đán 2022 đang cận kề. Điều đáng lo ngại là, giới đầu tư đặt hy vọng vào việc sinh lợi nhanh và nhiều, trong khi việc “lướt sóng” với chênh lệch như mong đợi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay không phải dễ.

Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo về những rủi ro khi "lướt sóng" bất động sản, nhất là vào thời điểm cuối năm. Nhưng nhiều người dân chưa tỉnh giấc mơ đổi đời từ bất động sản.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, nhà đầu tư thực hiện các giao dịch "lướt sóng" đẩy giá trên thị trường bất động sản thời gian tới sẽ không khả thi, nhất là khi Việt Nam chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh.

Với những người có nhu cầu nhà ở thực sự và nguồn tiền có sẵn từ trước, không phải sử dụng đòn bẩy tài chính thì đây có thể là cơ hội tốt để mua bất động sản. Riêng đối với nhóm đầu tư "lướt sóng" hay nhóm đầu tư ngắn hạn, đây chưa phải là thời điểm thích hợp, vì tiềm ẩn quá nhiều phần thua.

Một lời khuyên cũ nhưng chưa bao giờ lỗi thời của các chuyên gia bất động sản là, để tránh "mắc cạn", các nhà đầu tư khi xuống tiền cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm. Mua của người dân bán lại hay của chủ đầu tư thì đều cần phải chọn sản phẩm có pháp lý rõ ràng. Đặc biệt, nên tránh xa các chủ đầu tư không có uy tín, vì thực tế cho thấy, có những người mua đất dự án hơn 20 năm vẫn còn nằm trên giấy.

Chuyên đề