TP.HCM: Kiến nghị “phân nhóm vướng mắc” để tháo gỡ cho các dự án bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đồng thuận với đề xuất của Sở Xây dựng về việc để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, Thành phố nên phân nhóm và giao cụ thể phần việc cho 6 sở, ngành liên quan giải quyết.
Việc đề xuất “phân nhóm vướng mắc” và giao cho từng sở, ngành liên quan chủ trì phối hợp xem xét giải quyết là rất cần thiết. Ảnh: Bảo Tín
Việc đề xuất “phân nhóm vướng mắc” và giao cho từng sở, ngành liên quan chủ trì phối hợp xem xét giải quyết là rất cần thiết. Ảnh: Bảo Tín

Theo HoREA, để tháo gỡ vướng mắc của 156 dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố, việc đề xuất “phân nhóm vướng mắc” và giao cho từng sở, ngành liên quan chủ trì phối hợp xem xét giải quyết là rất cần thiết.

Cụ thể, Sở Xây dựng chủ trì xem xét 8 dự án với 6 nhóm vướng mắc: hoán đổi nghĩa vụ nhà ở xã hội; xác nhận dự án đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai; mua phần diện tích chung thuộc sở hữu nhà nước trong dự án chung cư cũ; thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội tại dự án thương mại bằng hình thức nộp tiền; cấp Giấy phép xây dựng; xác định dự án có được phép bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì xem xét 10 dự án với 1 nhóm vướng mắc là “điều chỉnh quy hoạch”.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xem xét 24 dự án với 15 nhóm vướng mắc, gồm: đấu giá quyền sử dụng đất; bồi thường giải phóng mặt bằng; chuyển mục đích sử dụng đất; giao đất bổ sung; gia hạn thời gian thuê đất; xem xét miễn tiền sử dụng đất...

Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì xem xét 11 dự án với 4 nhóm vướng mắc: ghi nhận là thành viên góp vốn của công ty; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; chuyển nhượng dự án đầu tư.

Sở Giao thông Vận tải chủ trì xem xét 1 dự án với 1 nhóm vướng mắc là “đánh giá tác động giao thông”.

Thống kê cho thấy, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, HoREA đã có 9 văn bản báo cáo UBND Thành phố về 156 dự án bất động sản của 121 chủ đầu tư đề xuất xem xét tháo gỡ vướng mắc trên địa bàn.

Lãnh đạo Thành phố sau đó đã chỉ đạo xem xét giải quyết, thể hiện qua 7 văn bản Thông báo của Văn phòng UBND Thành phố truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND Thành phố trong năm 2022 và 2 văn bản Thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND Thành phố trong tháng 2/2023.

Thời gian qua, lãnh đạo Thành phố và các sở, ngành cũng đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo 19 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản. Mới đây, ngày 20/2/2023, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã trực tiếp làm việc với từng lãnh đạo của 6 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản để giải quyết vướng mắc của 7 dự án bất động sản.

Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, khó khăn vẫn hoàn khó khăn, những vướng mắc vẫn chưa thể khắc phục, trong lúc các chủ đầu tư bất động sản liên tục kêu ca.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, hiện “vướng mắc pháp lý chiếm 70% vướng mắc, khó khăn” của các doanh nghiệp bất động sản. Trong khi đó, theo thông tin trước đây của Sở Xây dựng thì Thành phố có khoảng 64 dự án bất động sản bị “vướng mắc pháp lý” như phải rà soát lại về pháp lý đối với các dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất công do sắp xếp lại, xử lý tài sản công, hoặc do di dời nhà xưởng bị ô nhiễm, hoặc do cổ phần hóa chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định, hoặc phải rà soát lại tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có). Nhưng, trong đề xuất “phân nhóm vướng mắc” của Sở Xây dựng chưa đề cập nội dung “nhóm vướng mắc pháp lý” này.

Vì vậy, ông Châu kiến nghị, Sở Xây dựng và UBND Thành phố xem xét “phân nhóm vướng mắc pháp lý” và đề nghị giao cho Sở Tư pháp chủ trì phối hợp xem xét giải quyết.

Đồng thời, tổng hợp danh mục 156 dự án bất động sản của 121 chủ đầu tư đề xuất xem xét tháo gỡ vướng mắc trên địa bàn TP.HCM trong 2 năm 2022 - 2023 để ưu tiên xử lý.

Chuyên đề