TP.HCM: Đề xuất thu thuế nhà đất thứ hai trở lên ở mức nào là hợp lý?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đề xuất thu thuế nhà đất thứ hai trở lên của TP.HCM những ngày qua nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Đây là một trong những nội dung về lĩnh vực tài chính, ngân sách tại dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết số 54) của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố mà UBND TP.HCM mới đây gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trước khi trình Chính phủ.
TP.HCM hy vọng các chính sách đặc thù sẽ tạo một cú hích để cho Thành phố phát triển vượt bậc. Ảnh: Bảo Tín
TP.HCM hy vọng các chính sách đặc thù sẽ tạo một cú hích để cho Thành phố phát triển vượt bậc. Ảnh: Bảo Tín

Cụ thể, TP.HCM đề xuất hai phương án liên quan đến thu thuế bất động sản thứ hai trở lên, như sau:

Phương án 1: Thí điểm thu thuế đối với nhà ở và đất ở, mà người có quyền sử dụng đất hoặc sở hữu nhà ở không trực tiếp sử dụng để ở cho cá nhân và gia đình, tức nhà đất thứ hai trở lên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định mức thuế, phương pháp tính và thời gian áp dụng.

Phương án 2: TP.HCM được phép tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ hai trở lên, như: Lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.

Theo đó, HĐND TP.HCM sẽ quyết định áp dụng tăng mức thuế suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức thu hiện hành) và tăng mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức thu hiện hành); tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ 0,5% lên 2% giá trị chuyển nhượng và mức tối đa một hồ sơ chuyển nhượng từ 500 triệu đồng/hồ sơ lên 1 tỷ đồng/hồ sơ.

Cũng tại dự thảo này, TP.HCM đề xuất đưa 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu thuế nhà đất thứ hai trở lên vào ngân sách Thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và Thành phố cho đến hết thời gian thực hiện Nghị quyết.

Liên quan đến thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với các hộ dân có diện tích vượt hạn mức, UBND TP.HCM cho rằng, việc tăng như đề xuất lần này là hợp lý, vì điều tiết đối tượng có nhiều đất ở ngoài hạn mức, không thu bổ sung đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh nên không ảnh hưởng đầu tư.

Riêng về thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên với mức tăng không quá 2 lần mức hiện hành (mức hiện hành là 2% trên giá trị hợp đồng mua bán hoặc bảng giá đất), TP.HCM khẳng định, mức tăng này phù hợp bởi đây là khoản thu bổ sung từ đối tượng đang có nhà bất động sản, đầu cơ, mua đi bán lại nhiều lần.

Bình luận về vấn đề trên, Luật sư Trần Khánh Ly, Công ty Luật GLAW cho rằng, với cách làm này, TP.HCM kỳ vọng sẽ hạn chế được nạn đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản, đẩy giá nhà đất lên cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội và tài nguyên quốc gia.

Vẫn theo Luật sư Trần Khánh Ly, việc đánh thuế hay tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ hai trở lên là việc cần làm và thực tế nhiều nước cũng đã làm. Tuy nhiên, việc thu thuế như thế nào, ở mức bao nhiêu, để tạo lập sự công bằng cho xã hội là điều cần phải xem xét kỹ lưỡng.

Ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia bất động sản, đa phần đều thừa nhận, bất động sản thứ hai trở lên là một khái niệm vừa cụ thể vừa trừu tượng. Bởi người sử dụng bất động sản thứ hai trở lên có thể để kinh doanh, có thể cho thuê, hay có những nhu cầu ở khác nhau. Nếu vậy mà đánh thuế như nhau thì rất có thể sẽ gây chồng chéo, cùng lúc áp các loại thuế lên một đối tượng, dẫn đến phát sinh nhiều bất cập cho người sở hữu.

Được biết, vào tháng 10/2022, Quốc hội cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết năm 2023. Theo quy trình, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và cho ý kiến, dự thảo được gửi lên Chính phủ để trình Quốc hội.

Trước đó năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54 với nhiều cơ chế đặc thù nhằm tạo động lực mới để TP.HCM bứt phá.

Với những thay đổi lần này, nếu được thông qua, chính quyền TP.HCM hy vọng các chính sách đặc thù sẽ tạo một "cú hích" để Thành phố phát triển vượt bậc, xứng tầm là đầu tàu kinh tế của đất nước.

Chuyên đề