TP.HCM: Căn hộ cao cấp đang mở ra nhiều cơ hội cho những người có nhu cầu

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) -  Báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2020 của Savills Việt Nam cho thấy, phân khúc căn hộ chứng kiến nhiều xu hướng mới và những sự điều chỉnh cả trong nguồn cung và nguồn cầu. Trong số đó, bất chấp đại dịch, phân khúc căn hộ cao cấp vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, và đang được xem là kênh đầu tư được yêu thích của nhiều nhà đầu tư trong nước. 

Bất chấp đại dịch, phân khúc căn hộ cao cấp vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Internet.
Bất chấp đại dịch, phân khúc căn hộ cao cấp vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Internet.

Theo Savills Việt Nam, tổng quan về phân khúc căn hộ để bán ở TP.HCM, thị trường chứng kiến hơn 7.500 căn hộ mở bán mới trong quý III/2020, tăng 252% theo quý nhưng giảm 50% theo năm.

Đại dịch tiếp tục khiến việc mở bán bị trì hoãn ở nhiều dự án như Mizuki Park, Celesta Rise và Sunshine Continental. Có bốn dự án hạng A và B mở bán gần đây đã tạm ngưng do vướng phải vấn đề về tài chính và pháp lý.

Dẫu vậy, thị trường căn hộ cao cấp lại chưa hề cho thấy dấu hiệu giảm nhiệt mặc dù đại dịch Covid-19 có những ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và hành vi mua bán đầu tư của khách hàng, với 369 căn hộ được giao dịch.

Điển hình như sự kiện mở bán của một dự án tại khu vực Thủ Thiêm với giá bán dưới 7.000 USD/m2 được tổ chức vào đầu tháng 10 đã thu hút rất nhiều khách hàng trong và và ngoài nước quan tâm.

Chỉ trong một ngày, hàng trăm căn hộ của dự án này đã được tiến hành đặt chỗ. Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang dần trở thành khu vực quy tụ của các căn hộ, biệt thự có giá đắt đỏ bậc nhất tại TP.HCM trong thời gian gần đây.

Nhận định về thực tế này, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam chia sẻ, trong 2 năm trở lại đây, các dự án tại Thủ Thiêm ghi nhận mức tăng trưởng tích cực và sôi động hơn khi cơ sở hạ tầng dần được hình thành cũng như sự hứng thú của cả các chủ đầu tư trong nước và quốc tế, bất chấp những hạn chế về tiện ích và mật độ cộng đồng dân cư trong khu vực. Việc thu hút nhiều nhà đầu tư chất lượng vào Thủ Thiêm hơn nằm hoàn toàn vào hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực.

Trước đây, việc đầu tư cơ sở hạ tầng chủ yếu được giao cho các công ty tư nhân để phát triển theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) giữa cơ quan nhà nước và các đơn vị phát triển bất động sản, tạo thêm gánh nặng tài chính cho cả hai bên. Nếu Nhà nước có nguồn vốn để kết hợp cân bằng với nguồn vốn của doanh nghiệp thì có thể đảm bảo phát triển được cả cơ sở hạ tầng và quỹ đất dự án.

Một số cái tên các chủ đầu tư đã và đang đầu tư một cách tích cực và hiệu quả tại khu vực này có thể kể tới như Empire City, Sonkim Land, Đại Quang Minh... Trong tương lai, ông Troy cho rằng, Thủ Thiêm vẫn sẽ là khu vực thu hút các dự án nhà ở phân khúc cao cấp của các chủ đầu tư lớn cả trong nước và nước ngoài nhờ vị trí sát sườn trung tâm, hệ thống cơ sở hạ tầng mới cũng như quy hoạch tốt của Chính phủ.

Về triển vọng của thị trường, Savills nhận định sẽ có thêm khoảng hơn 143.700 căn hộ được cung cấp ra thị trường trong tương lai đến 2023, trong đó phân khúc căn hộ hạng sang chiếm 13%, tương đương khoảng hơn 18.000 căn hộ. Con số này phản ánh nhu cầu sở hữu và đầu tư căn hộ cao cấp tương đối lớn của thị trường.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận Đầu tư của Savills nhận định, đây là một xu hướng khá dễ hiểu. Thứ nhất, nguồn tiền để kinh doanh của người dân cũng khá nhiều nên thay vì gửi ngân hàng ở mức lãi suất 5 - 6%, việc mua một sản phẩm nhà ở để đầu tư cũng là một cơ hội với những người có nguồn tài chính tốt.

Thứ hai, trong giai đoạn này, thị trường không có nhiều nguồn cung mới, ở góc độ tích cực trên thị trường phân khúc cao cấp thì đây chính là cơ hội cho những người có nhu cầu mua nhà ở cao cấp để ở và đa dạng hóa nguồn đầu tư.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư