TP.HCM: 50 dự án bất động sản xếp hàng chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Có đến 50 dự án bất động sản ở TP.HCM đang được các doanh nghiệp đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh chủ trương đầu tư, nhưng câu chuyện tưởng chừng như đơn giản này lại tương đối phức tạp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đang thụ lý 50 hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án bất động sản. Ảnh: Bảo Tín
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đang thụ lý 50 hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án bất động sản. Ảnh: Bảo Tín

Mỗi nhóm mỗi kiểu

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, cơ quan này đang thụ lý 50 hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án bất động sản. Sau quá trình xem xét, thời gian qua, sở này đã phân các dự án này thành 2 nhóm để xử lý.

Theo đó, nhóm 1 có 19 dự án, bao gồm các dự án đang vướng mắc về áp dụng quy định pháp luật. Nhóm 2 gồm 31 dự án (được chia nhỏ thành 4 nhóm 2A, 2B, 2C, 2D) bao gồm: các dự án có vướng mắc do quá trình rà soát pháp lý dự án thực hiện trước đây (4 dự án); các dự án có vướng mắc do đang trong quá trình được cấp thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra (3 dự án); nhóm các dự án còn lại đang được xem xét, giải quyết (19 dự án); các dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa tiếp nhận, đang trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan nên chưa xác định được khó khăn, vướng mắc (5 dự án).

Một báo cáo mới đây của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, ở nhóm 1, hiện có đến 15 dự án đang ở trong tình trạng được sở này tổ chức lấy ý kiến các cơ quan và đề nghị nhà đầu tư bổ sung hồ sơ, nhưng do chưa nhận được đủ ý kiến của các cơ quan nên đến nay vẫn tiếp tục chờ.

Được biết, vướng mắc mấu chốt của nhóm này liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp có nguồn gốc cổ phần hóa hoặc nhận chuyển nhượng dự án có nguồn gốc đất do doanh nghiệp cổ phần sử dụng và chuyển mục đích; các dự án có giao phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý; số còn lại vướng mắc trong việc xem xét chuyển nhượng dự án đã được chấp thuận chủ trương theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tương tự, ở nhóm 2A, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn bản hướng dẫn, để đảm bảo cơ sở pháp lý xem xét chuyển tiếp dự án thì các văn bản pháp lý, chủ trương thực hiện dự án trước đây phải được ban hành đúng trình tự pháp luật. Hiện các sở, ngành đã có ý kiến phản hồi nhưng chưa rõ nên Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM chỉ đạo rà soát.

Ở nhóm 2B, các dự án đều trong quá trình tổ chức lấy ý kiến các sở ngành và đề nghị nhà đầu tư bổ sung hồ sơ. Trong đó, Dự án Regency Park của Công ty TNHH Liên doanh Hoàng Kim đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND TP.HCM báo cáo thẩm định và Thành phố giao các sở, ngành rà soát.

Với nhóm 2C, có 11 dự án đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành và đề nghị nhà đầu tư bổ sung hồ sơ; 6 dự án sở này đang lấy ý kiến trình UBND TP.HCM xem xét; 1 dự án các sở, ngành đang rà soát nội dung có liên quan trên cơ sở báo cáo thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND Thành phố; 1 dự án đang được sở này trình UBND Thành phố báo cáo thẩm định.

Riêng nhóm 2D, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND Thành phố giao các sở ngành liên quan có ý kiến gửi về Sở kế hoạch và Đầu tư tổng hợp sớm để trình lãnh đạo Thành phố.

Ảnh minh họa: Bảo Tín

Ảnh minh họa: Bảo Tín

Vô cùng gian nan

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, những vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án bất động sản là vô cùng gian nan. Chỉ cần một bộ, ngành hoặc một sở ban ngành ách tắc thì công việc thẩm định để điều chỉnh chủ trương là cả một "vấn đề trần ai" đối với doanh nghiệp.

Để đẩy nhanh việc tháo gỡ, mới đây Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, đối với các dự án có nguồn gốc từ việc chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa, dự án có giao phần diện tích đất do Nhà nước quản lý nhưng nhà đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và/hoặc đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: kiến nghị UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan tổng hợp cơ sở pháp lý báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ theo hướng xem xét cho dự án được tiếp tục thực hiện và giao UBND Thành phố tổ chức xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để đề nghị nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) nhằm không làm thất thoát tài sản nhà nước.

Đối với vướng mắc liên quan đến việc xem xét chuyển tiếp theo pháp lý đất đai và điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án khi nguyên nhân chậm tiến độ vừa có nguyên nhân chủ quan, vừa có nguyên nhân khách quan: Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ sớm có ý kiến hướng dẫn, đồng thời kiến nghị UBND Thành phố đề xuất Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành hướng dẫn, tháo gỡ sớm các vướng mắc liên quan đến nội dung này.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số chủ đầu tư bất động sản cho rằng, việc phân loại các dự án để tách bạch những khó khăn, vướng mắc, xem vấn đề đang ách tắc ở khâu nào, thuộc cơ quan nào để xử lý là rất cần thiết. Tuy nhiên, mọi vấn đề xử lý phải có thời hạn cam kết rõ ràng từ cơ quan chức năng, chứ không thể chung chung, dẫn đến một kiến nghị được gửi đi không biết khi nào được hồi đáp kết quả. Khi các dự án thông suốt và sớm được triển khai, nguồn cung thị trường sẽ trở nên dồi dào, doanh nghiệp có sản phẩm để bán, từ đó có dòng tiền xoay sở trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Chuyên đề