Tồn kho “khủng”, “đại gia” địa ốc có lo?

(BĐT) - Mùa báo cáo tài chính năm 2017 đã khép lại. Những con số được công bố cho thấy nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết tiếp tục có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng.
10 “đại gia” địa ốc có lượng hàng tồn kho với tổng giá trị là gần 120.000 tỷ đồng. Ảnh: Quang Tuấn
10 “đại gia” địa ốc có lượng hàng tồn kho với tổng giá trị là gần 120.000 tỷ đồng. Ảnh: Quang Tuấn

Lượng tồn kho lớn

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), tổng lượng giao dịch tại Hà Nội và TP.HCM trong quý IV/2017 ước đạt con số 15.300 giao dịch, trong đó Hà Nội là 5.959 giao dịch và TP.HCM là 9.336 giao dịch. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là thị trường bất động sản mang đến cơ hội kiếm lời cho tất cả. Vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thể thoát ra được khó khăn, báo lỗ  hoặc một số công ty có lợi nhuận sụt mạnh so với năm 2016.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp vẫn chiếm rất lớn. Nếu xét về giá trị tuyệt đối, 10 “đại gia” địa ốc có lượng hàng tồn kho lớn nhất với tổng giá trị là gần 120.000 tỷ đồng.

Novaland là một trong những doanh nghiệp bất động sản có hàng tồn kho lớn. Tính đến cuối 2017, hàng tồn kho doanh nghiệp này là 26.886 tỷ đồng, tăng tới 11.097 tỷ đồng so với đầu năm.

Một thành viên “kỳ cựu” trong top những doanh nghiệp có lượng hàng tồn lớn đó là Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC). Đến cuối năm 2017, hàng tồn của KBC là 8.322 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với con số 8.243 tỷ đồng đầu kỳ. KBC là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị. Hàng tồn kho của doanh nghiệp này chủ yếu là chi phí phí xây dựng dở dang tại các dự án khu công nghiệp và khu đô thị.

Tiếp đến là Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG), hàng tồn kho của nhà Cường Đô La đến cuối 2017 là 6.906 tỷ đồng, tăng hơn 900 tỷ so với con số đầu năm. Công ty này hiện có tới 11 dự án bất động sản dở dang.

Tại thời điểm kết thúc năm 2017, hàng tồn kho của Phát Đạt (PDR) là 6.089 tỷ đồng, giảm hơn 1.200 tỷ đồng so với cuối 2016. Phần lớn giá trị tồn kho nằm ở Dự án The River City là 4.270 tỷ đồng. Tiếp đến là Dự án The EverRich 3 với 1.565 tỷ đồng. Cuối năm 2017, các lô đất nền của khu biệt thự đã được hoàn thành và bán ra thị trường đã đưa giá trị hàng tồn kho của PDR giảm bớt độ lớn. 

17 doanh nghiệp địa ốc tồn kho chiếm quá nửa tổng tài sản

Có quan điểm cho rằng, các trường hợp hàng tồn ứ đọng một khoảng thời gian dài, quỹ đất chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính... sẽ trở thành gánh nặng. Lâu dần, hàng tồn có thể "bóp chết" khả năng tăng trưởng vì chi phí vốn đội lên.
Đáng lưu ý, thống kê cũng cho thấy, có tới 17 doanh nghiệp địa ốc “ôm” đống hàng tồn kho lớn hơn 50% tổng tài sản đang có. Đứng đầu danh sách này là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) với với gần 2.500 tỷ đồng, chiếm tới 78% tổng tài sản. Đồng “giải nhất” với BCI là ITC với 2.732 tỷ đồng hàng tồn kho tính đến cuối 2017, cũng chiếm 78% tổng tài sản…

Tiếp theo là các công ty như PVR (70%), PXA (67%)… “Đại gia” địa ốc Novaland cũng ôm 26.886 tỷ đồng hàng tồn kho, chiếm tới 55% tổng tài sản.

 Xét ở khía cạnh tích cực, hàng tồn thể hiện sức mạnh nội tại của doanh nghiệp vì chỉ những "đại gia" mới có quỹ đất và hàng hóa dồi dào. Như trường hợp KBC, mặc dù hàng tồn kho lên tới hơn 8.000 tỷ, song KBC vẫn cho rằng lượng hàng tồn kho này là lợi thế của doanh nghiệp. Doanh nghiệp này cũng khẳng định, đây là đặc thù của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, tích lũy đất là rất quan trọng và đây là quỹ đất bảo đảm cho KBC duy trì hoạt động trong hàng chục năm nữa.

Một thời gian trước đây, đại diện Công ty Phát Đạt cũng từng khẳng định, tồn kho là thế mạnh của doanh nghiệp trong giai đoạn thị trường hồi phục. Bởi lẽ, công ty phải có thực lực mới sở hữu được quỹ đất giá trị, đồng thời phải có tiềm lực tài chính mới xây dựng được nhà ở bán ra thị trường.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, các trường hợp hàng tồn ứ đọng một khoảng thời gian dài, quỹ đất chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính... sẽ trở thành gánh nặng. Lâu dần, hàng tồn có thể "bóp chết" khả năng tăng trưởng vì chi phí vốn đội lên. Doanh nghiệp chăm chút cho núi hàng tồn này còn bị mất chi phí cơ hội.

Chuyên đề