Tối ưu hóa cơ hội của FTA

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế đang trên đà hồi phục, trong đó hoạt động xuất khẩu (XK) với nhiều điểm sáng nhờ bước đầu khai thác tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Tận dụng tối đa các cơ hội từ FTA sẽ là động lực, là cú huých để nền kinh tế phục hồi, phát triển bền vững.
Quý I/2022 doanh nghiệp trong nước đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức tăng 10% của doanh nghiệp FDI. Ảnh: Lê Tiên
Quý I/2022 doanh nghiệp trong nước đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức tăng 10% của doanh nghiệp FDI. Ảnh: Lê Tiên

Đó là nhận định của PGS.TS Phạm Tất Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại thuộc Bộ Công Thương trong cuộc trò chuyện cùng Báo Đấu thầu về việc tận dụng các giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế.

PGS.TS Phạm Tất Thắng

PGS.TS Phạm Tất Thắng

Thưa ông, với những giải pháp linh hoạt, hiệu quả trong chính sách phòng, chống đại dịch Covid-19, kinh tế nước ta đang phục hồi rõ nét trong quý I/2022. Sự phục hồi của hoạt động XK thể hiện ra sao?

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Những nơi dịch bệnh nặng nề nhất là những trung tâm sản xuất hàng hóa XK lớn của cả nước như: Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương, TP.HCM… Song, Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách kịp thời trong việc chuyển từ chính sách zero Covid-19 sang chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhờ đó, hoạt động kinh tế, trong đó có XNK đã hồi phục mạnh mẽ với những con số ấn tượng.

Trong quý I, tổng kim ngạch XNK đạt gần 176,4 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, kim ngạch XK đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9%; nhập khẩu hàng hóa đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9%. Kết thúc quý I, Việt Nam xuất siêu 809 triệu USD là điều đáng vui mừng, thậm chí gây không ít ngạc nhiên cho giới quan sát, vì trong tháng 2/2022, nền kinh tế vẫn nhập siêu khiến không ít người lo lắng về khả năng thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng XK năm 2022. Song, phân tích kỹ số liệu thấy rằng, nhập siêu thời gian này không đáng lo ngại khi hơn 90% tổng kim ngạch nhập khẩu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, có nghĩa là chúng ta nhập siêu cho những yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh. Vì thế, ngay trong tháng 3, kim ngạch XK phục hồi mạnh mẽ, ước đạt hơn 34 tỷ USD, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng gần 15% so với cùng kỳ 2021, kéo cán cân thương mại quý I xuất siêu.

Kết quả XK quý I cũng cho thấy, đóng góp vào kim ngạch XK của doanh nghiệp (DN) trong nước tăng tới 22% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức tăng của DN FDI (tăng 10%).

Như vậy, có thể nói, kết quả XK đạt được trong quý I phản ánh rằng những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng bởi đại dịch Covid-19 đã được nối lại tương đối tốt, là một tín hiệu để chúng ta hy vọng những quý tiếp theo có kết quả tích cực.

Có thể nhận thấy hàng hóa XK đã tăng mạnh ở các thị trường mà Việt Nam đã và đang có các FTA. Phải chăng DN XK Việt Nam đã biết khai thác cơ hội từ các FTA, nhất là các FTA mới như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…, thưa ông?

Bức tranh sáng sủa của XK quý I không phải kết quả tự nhiên mà có mà được nhen nhóm, xây dựng trong suốt thời gian dài với việc Chính phủ nỗ lực đàm phán, ký kết và thực hiện các FTA, trong đó có các FTA mới.

Như chúng ta thấy, EVFTA có hiệu lực (tháng 8/2020) đã mở ra con đường “cao tốc” làm ăn tốt cho các DN XK Việt Nam. Cụ thể, Hiệp định có hiệu lực, ngay lập tức những mặt hàng chủ lực của Việt Nam như: gạo, rau quả… có chất lượng cao đã được XK vào thị trường châu Âu nhờ sự nỗ lực, nhanh nhạy của các DN trong việc tận dụng ưu đãi của EVFTA. Điều này rất đáng lưu ý, vì với các FTA trước đây dù chúng ta cũng có nhiều giải pháp triển khai nhưng chưa mang lại tác dụng tức thời như EVFTA.

Nhìn kỹ hơn về thị trường XK, trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn mở rộng được thị trường cho DN. Điều này cho thấy, cơ quan quản lý, DN XK đã có những phản ứng kịp thời với việc đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường XK, góp phần giảm thiệt hại cho người dân và DN khi một trong những thị trường XK áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt phòng, chống dịch.

Đạt được một số kết quả nhất định nhưng việc tận dụng cơ hội từ các FTA của DN Việt Nam vẫn bị phàn nàn còn không ít hạn chế, thách thức. Nguyên nhân từ đâu, thưa ông?

Đây là ý kiến tương đối phổ biến trong suốt thời gian qua và cho rằng, Nhà nước đã rất nỗ lực đàm phán, ký kết các FTA để mở rộng thị trường cho DN nhưng DN không tận dụng được cơ hội này thì kết quả cũng chỉ là con số “0”. Nhìn kỹ hơn thì phản ánh này bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa.

Điều đáng bàn nhất là việc hội nhập kinh tế quốc tế trong nội bộ nền kinh tế lại chưa tốt. Ở đâu đó, DN vẫn còn phàn nàn về việc “giấy phép con” vẫn hành DN, thủ tục hành chính còn rườm rà… Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ là mở cửa với bên ngoài mà còn phải thúc đẩy thực hiện các giải pháp để DN trong nước vươn ra thị trường nước ngoài. Thực tế này đòi hỏi chúng ta cần tăng tốc hơn nữa quá trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Bức tranh XK quý I khá tích cực là điều đáng phấn khỏi, nhưng theo tôi chưa thể vội mừng bởi hiện có hàng loạt khó khăn, thách thức mà DN XK phải đối điện. Đến nay, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng do Covid-19 gây ra đã được nối lại nhưng lại phải đối mặt với những đứt gãy do xung đột Nga - Ucraina gây nên. Nhiều cảng biển, cảng hàng không, tuyến đường giao thương hàng hóa bị ngưng trệ. Chi phí, giá cả nhiều mặt hàng quan trọng như: xăng dầu, lương thực, phân bón… tăng cao ảnh hưởng không nhỏ tới các DN XK.

Theo ông, đâu là cách để các DN tận dụng được cơ hội từ FTA cũng như giảm thiểu được những rủi ro trong sân chơi toàn cầu?

Tôi cho rằng, DN phải tái cơ cấu hoạt động để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng hàng hóa.

Nhu cầu của thị trường thế giới đối với mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam vẫn rất lớn, trong đó có mặt hàng linh kiện điện tử. Số liệu XK của Việt Nam cho thấy, năm 2021, đặc biệt quý I/2022, linh kiện điện tử có kim ngạch XK tốt. Vấn đề hiện nay là làm sao tổ chức thực hiện thật tốt để khai thác cơ hội này.

Năm 2021, Việt Nam có kinh nghiệm đa dạng hóa thị trường, tận dụng tốt các FTA. Bắt đầu từ năm 2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực, trong Hiệp định có nhiều thành viên như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… là những thị trường gần với Việt Nam nhưng lâu nay DN XK chưa khai thác được bao nhiêu. Do đó, RCEP được thực thi là cơ hội để DN XK Việt Nam thêm một con đường XK, đồng thời nhìn nhận lại cách thức kinh doanh phù hợp, góp phần tối ưu hóa chi phí, gia tăng sức cạnh tranh hàng hóa.

Việt Anh thực hiện

Chuyên đề

Kết nối đầu tư