Tinh thần đổi mới trong tái cấu trúc DNNN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau hơn 3 thập kỷ cổ phần hóa và thoái vốn, dường như hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang ở khoảng lặng tái cấu trúc. Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho rằng, khối doanh nghiệp này đang chuẩn bị các yếu tố cần thiết trước một cuộc thay đổi có tính bước ngoặt để đảm đương trọng trách lớn trong giai đoạn sắp tới.
Những doanh nghiệp đang hoạt động tốt như Viettel sẽ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu, phát huy thành quả đã đạt được. Ảnh: Lê Tiên
Những doanh nghiệp đang hoạt động tốt như Viettel sẽ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu, phát huy thành quả đã đạt được. Ảnh: Lê Tiên

Thưa ông, quá trình tái cơ cấu DNNN dường như đang rất chậm, có điều gì cản trở không?

Trung ương, Quốc hội và Chính phủ nêu rõ chủ trương DNNN là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, có nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện sứ mệnh dẫn dắt các thành phần kinh tế trong việc phát triển các ngành nghề, lĩnh vực cạnh tranh, ngành nghề gắn với chuyển đổi số, công nghệ cao mà các thành phần kinh tế khác chưa đủ sức làm.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nhiều nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái, càng thấy rõ vai trò của DNNN trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, việc tái cơ cấu DNNN phải nhanh, song cũng phải đúng định hướng đã đề ra.

Ông Đặng Quyết Tiến

Ông Đặng Quyết Tiến

Quá trình tái cơ cấu DNNN hiện nay thực hiện theo Quyết định 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”. Các DNNN đang chủ động rà soát những điểm yếu, hạn chế cần xử lý để đăng ký thực hiện.

Quá trình rà soát này bao gồm việc xem xét tiếp tục phát huy điểm mạnh đã làm được trong 10 năm qua, qua 2 lần tái cơ cấu theo Quyết định 929/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” và Quyết định 707/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”.

Cả chặng đường đã qua và giai đoạn tới đây, mục tiêu cao nhất của tái cơ cấu DNNN là làm cho khối DN này hoạt động hiệu quả hơn, đúng như vai trò đã đề ra. Trong đó, cổ phần hóa và thoái vốn là một phương thức bên cạnh các phương thức khác như giải thể, phá sản để DNNN thực sự hoạt động lành mạnh. Cổ phần hóa và thoái vốn thời gian tới có nguyên tắc định hướng là tập trung vào các DN đang yếu kém, thua lỗ, DN cần cơ cấu lại.

Đồng thời với quá trình cổ phần hóa và thoái vốn, sẽ củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Với mục tiêu như vậy, quá trình cơ cấu lại DNNN tương đối thận trọng, cần rà soát kỹ danh mục DN thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn.

Bản thân các DN cũng thận trọng rà soát để đảm bảo đúng yêu cầu và tính khả thi trong thực hiện, đúng theo định hướng tái cơ cấu đã được Chính phủ thông qua, gắn với nghị quyết của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế và các nghị quyết của Chính phủ về phục hồi kinh tế năm 2022 - 2023.

Chủ trương để các DNNN đăng ký kế hoạch tái cơ cấu có thể khiến DN chủ động và tăng tốc hơn hay họ vẫn e ngại trách nhiệm như trước đây, thưa ông?

Quyết định 360/QĐ-TTg và các chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu DNNN đều nêu rõ nội dung gắn trách nhiệm người đứng đầu, họ phải tuân thủ pháp luật về thực thi tái cơ cấu theo hướng không làm cũng phải chịu trách nhiệm chứ không chỉ làm sai mới chịu trách nhiệm.

Do Đề án Cơ cấu lại DNNN mới ban hành vào đầu năm 2022 nên Chính phủ cho phép các DN có thời gian trong quý III, IV năm nay để hoàn thiện. Vừa qua, Chính phủ đẩy mạnh đôn đốc các cơ quan, bộ, ngành thực hiện. Bộ Tài chính cũng định kỳ hàng tháng, hàng quý có văn bản đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty đẩy nhanh phê duyệt đề án tái cơ cấu DNNN với tinh thần đổi mới.

Theo đó, tùy vào tính chất và chất lượng hoạt động của từng DN để đề xuất cách thức tái cơ cấu mới hoặc kế thừa đề án đang thực hiện. Chẳng hạn, những DN đang hoạt động tốt như Viettel sẽ tiếp tục đề án đã thực hiện, phát huy thành quả tái cơ cấu đã đạt được.

DNNN vừa có vai trò dẫn dắt vừa phải cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Vậy công tác quản trị DN đòi hỏi có những thay đổi và phát triển như thế nào để thực thi đúng tinh thần đổi mới, thưa ông?

Quyết định 360 nêu rõ nội dung, bố cục đề án cơ cấu lại của từng tập đoàn, tổng công ty. Trong đó, một số điểm nổi bật là: đổi mới quản trị; định hướng đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, bảo vệ môi trường; lộ trình cải tiến công nghệ để đổi mới công nghệ từng phần, từng giai đoạn một cách hợp lý, phù hợp với năng lực, định hướng phát triển của DN…

Trên tinh thần chỉ đạo tại các nghị quyết của Trung ương và Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng và lấy ý kiến các tập đoàn, tổng công ty về các nội dung cần sửa tại Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại DN để xây dựng khuôn khổ pháp lý đảm bảo tuân thủ pháp luật, trong đó bao gồm nội dung phân cấp, chủ động phòng ngừa rủi ro cho lãnh đạo để đổi mới sáng tạo hơn trong các quyết sách gắn với trách nhiệm về hiệu quả của DN.

Để thay đổi về chất lượng quản trị, điều quan trọng nhất là nhân sự lãnh đạo phải đủ năng lực. DNNN có thể cạnh tranh thu hút nhân tài không, nếu cơ chế tiền lương vẫn hạn chế như hiện nay?

Cơ chế tiền lương cần được tháo gỡ theo cơ chế thị trường, để DN tự quyết định và vẫn đảm bảo yêu cầu giám sát, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu và tính chặt chẽ, đúng pháp luật để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.

Vì vậy, cần xem xét đề xuất Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thực hiện cải cách tiền lương khu vực DNNN trước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN” sau khi đã thí điểm ở các tập đoàn lớn như Viettel và VNPT. Tức là, cho phép DNNN được quyết định cơ chế trả lương theo thị trường gắn với năng suất lao động, hiệu quả hoạt động thực tế.

DNNN càng hoạt động hiệu quả thì tiền lương của người quản lý và người lao động càng cao. Ngược lại, DN làm ăn kém hiệu quả thì lương người quản lý thấp hơn. Cách làm này nhằm hạn chế thực trạng cào bằng như hiện nay.

Việc cải cách tiền lương sẽ tạo động lực để thu hút nhân tài, cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác trong lựa chọn nguồn lực cho DNNN.

Mặt khác, cũng có thể xem xét cơ chế chuyên gia ký hợp đồng tại các DNNN. Những người giỏi chuyên môn có thể ký hợp đồng chuyên gia để phát huy trí tuệ sáng tạo, chỉ thực hiện bằng trách nhiệm theo hợp đồng, và xử lý các sai phạm (nếu có) theo thỏa thuận tại hợp đồng, tránh hình sự hóa.

Cơ chế tiền lương như vậy được áp dụng đồng thời với hệ thống tiêu chí đánh giá về năng lực cán bộ, hiệu quả công việc. Tiêu chí đánh giá này được công khai từ người lao động đến người lãnh đạo cao nhất, nếu không đạt thì giảm lương hoặc đào thải.

Chuyên đề