Tín dụng “sân sau”, sở hữu chéo ngân hàng “hết cửa”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với các quy định mới về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng, công khai thông tin…, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đảm bảo tính an toàn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Với quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), mục tiêu của Nhà nước là ổn định và đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Ảnh: Lê Tiên
Với quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), mục tiêu của Nhà nước là ổn định và đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Ảnh: Lê Tiên

Một trong những điểm mới của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần. Theo đó, “cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác”. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 chỉ quy định, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Đồng thời, bổ sung biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm. Theo đó, đối với tổ chức tín dụng có lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ thì cho phép áp dụng biện pháp hỗ trợ về cơ chế (trích lập dự phòng rủi ro theo năng lực tài chính, thoái lãi dự thu theo lộ trình) và bổ sung 2 biện pháp áp dụng cho quỹ tín dụng nhân dân, bởi nếu chỉ áp dụng biện pháp tự thân từ tổ chức tín dụng mà không có biện pháp hỗ trợ khác thì khó khả thi, không đem lại hiệu quả phục hồi cho tổ chức tín dụng.

Bên cạnh quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng và một số quy định trong tổ chức, quản trị, điều hành, Luật bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin (Điều 49). Theo đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải thực hiện cung cấp thông tin, tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.

Về hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng (Điều 5, Điều 113), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Đồng thời, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

Điểm đổi mới được quan tâm nhất của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giảm giới hạn cấp tín dụng, tăng yêu cầu về cung cấp thông tin đối với cổ đông. Ảnh: Nhã Chi

Điểm đổi mới được quan tâm nhất của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giảm giới hạn cấp tín dụng, tăng yêu cầu về cung cấp thông tin đối với cổ đông. Ảnh: Nhã Chi

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng: “Từ các quy định trong Luật có thể thấy rõ mục tiêu của Nhà nước là nhằm ổn định và đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Để làm được việc này, cơ sở pháp lý mới hướng tới việc xử lý những điểm hạn chế hiện nay như nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo, cấp tín dụng “sân sau”, “ép” khách vay mua bảo hiểm, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Đồng thời, Luật cũng có những quy định đối với các mô hình tài chính mới, bắt kịp sự phát triển của ngành tài chính - ngân hàng. Nếu thực hiện tốt các quy định mới, trong đó, khâu giám sát được thực thi hiệu quả thì có thể kỳ vọng sự phát triển tích cực của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới. Để thực hiện được điều này, các quy định hướng dẫn dưới Luật cần phải rõ ràng, chặt chẽ và khả thi”.

Cùng quan điểm, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định hơn. Điểm đổi mới được quan tâm nhất là các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giảm giới hạn cấp tín dụng, tăng yêu cầu về cung cấp thông tin đối với cổ đông. Về cơ bản, các điểm mới có mục tiêu chính là hạn chế tình trạng sở hữu chéo cũng như chi phối, thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống tổ chức tín dụng trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) kiến tạo khung pháp lý để phát triển một số dịch vụ ngân hàng hiện đại, góp phần luật hóa việc xử lý nợ xấu trên tinh thần Nghị quyết số 42/2017/QH14, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, trong bối cảnh Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở. Tuy nhiên, ông Lực cho rằng, điểm quan trọng nhất trong thời gian tới là khâu hướng dẫn, triển khai thực hiện sớm. Cơ quan đầu mối khi xây dựng hướng dẫn triển khai cần thực hiện lấy ý kiến của nhiều bên liên quan để đảm bảo đa chiều, khả thi và sát thực tiễn.

Chuyên đề