Số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Ảnh: Internet |
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính cho biết, số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.
Đồng thời, việc đề xuất tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết 2025 là thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm tính khả thi của chính sách.
Về đối tượng được thụ hưởng, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN đối với đất đang sản xuất nông nghiệp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, kể cả trường hợp đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất, đất mà thành viên nhận giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp và đất góp vốn để thành lập hợp tác xã.
Riêng đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho các tổ chức quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp phải nộp 100% thuế SDĐNN trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất (việc xác định các trường hợp này thông qua hợp đồng nhận thầu giữa các tổ chức được giao đất với tổ chức, cá nhân khác).
Về tác động đến thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, đề xuất này sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.