Thuế trên sàn thương mại điện tử: Vẫn hóc búa cách thu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế được đánh giá là cấp thiết nhằm mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế, nhất là khi thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số ngày càng bùng nổ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia băn khoăn về quy định các sàn TMĐT phải kê khai thuế và nộp thay cho người bán trên sàn, cho rằng quy định này không khả thi và bất hợp lý, đẩy nhiều rủi ro pháp lý, chi phí cho các sàn TMĐT.
Hiện có khoảng 163.000 cá nhân và hộ kinh doanh bán hàng trên khoảng 400 sàn thương mại điện tử. Ảnh: Nhã Chi
Hiện có khoảng 163.000 cá nhân và hộ kinh doanh bán hàng trên khoảng 400 sàn thương mại điện tử. Ảnh: Nhã Chi

Việc livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội và sàn TMĐT đang thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Thực tế, có những phiên livestream bán hàng đã “chốt đơn” hàng chục, hàng trăm tỷ đồng chỉ sau vài giờ đồng hồ.

Số liệu 6 tháng đầu năm 2024 của Metric (nền tảng phân tích dữ liệu TMĐT) cho biết, 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo) bán ra hơn 1,5 triệu sản phẩm, phần lớn thông qua livestream.

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), trung bình mỗi tháng có 2,5 triệu phiên livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng. Hiện nay, nhiều người nổi tiếng tham gia livestream bán hàng để đại diện cho nhãn hàng giới thiệu sản phẩm, dùng sức ảnh hưởng, uy tín thu hút đông đảo người xem và thúc đẩy doanh số.

Sự phát triển này đặt ra nhiều khó khăn đối với công tác quản lý thuế. Làm thế nào để chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại là câu hỏi được đặt ra từ khá lâu, kể từ khi các hình thức bán hàng từ xa, bán hàng qua thư và đặc biệt từ khi xuất hiện TMĐT. Không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều quốc gia quan tâm tìm lời giải cho câu hỏi này nhằm đảm bảo rằng chính phủ có thể thu thuế một cách hiệu quả hơn từ các hoạt động TMĐT và kinh tế chia sẻ, vốn dĩ rất dễ bị lợi dụng để lách thuế do tính phi tập trung của chúng.

Theo Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu quản lý thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT là 1,98 triệu tỷ đồng; số thuế đã nộp gần 55.000 tỷ đồng, tăng 23% so với số thuế bình quân 6 tháng năm 2023; có thêm 26 nhà cung cấp nước ngoài mới đăng ký kê khai, nộp thuế tại Việt Nam.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, có gần 43.000 người bán hàng online thuộc diện rà soát đã khai, nộp thuế 9.980 tỷ đồng, tăng 3.480 tỷ đồng và gấp hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.

Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT.

Ông Phạm Đình Thưởng, Thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao VECOM cho rằng: “Quy định nêu trên tại Dự thảo không bảo đảm tính khả thi và hợp lý khi dồn hết trách nhiệm cho các sàn TMĐT”.

Vị này chỉ ra, hiện có khoảng 163.000 cá nhân và hộ kinh doanh bán hàng trên khoảng 400 sàn thương mại, trong đó tập trung vào 5 sàn lớn. Vì vậy, nếu quy định nêu trên được thông qua sẽ gây áp lực chi phí rất lớn cho sàn thương mại về nhân sự, máy móc lưu trữ dữ liệu... Bên cạnh đó, pháp luật về thuế đang áp dụng nhiều mức thuế suất khác nhau đối với 4 nhóm sản phẩm hàng hóa. Mỗi cá nhân, hộ kinh doanh lại kinh doanh nhiều mặt hàng. Vì vậy, nếu sàn TMĐT phải kê khai thay người bán thì rủi ro kê khai sai rất cao, đẩy trách nhiệm pháp lý này từ người kinh doanh sang sàn TMĐT.

Mặt khác, theo một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào năm 2022, dự kiến quy định kê khai, nộp thuế thay này đòi hỏi các sàn TMĐT phải đầu tư chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm để thực thi.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nhấn mạnh, quy định này là chưa có tiền lệ trên thế giới. Ví dụ, các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Hoa Kỳ đều không có quy định yêu cầu các sàn TMĐT phải kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán. Người bán tự chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ thuế của chính mình.

Ngoài các khó khăn nêu trên, ông Hà cũng chỉ ra, khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý thuế quy định: “Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan quản lý thuế trực tiếp”. Do vậy, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh. Trong khi đó, các sàn TMĐT có thể có địa điểm kinh doanh ở tỉnh khác (thường là Hà Nội và TP.HCM). Quy định này sẽ dẫn đến mâu thuẫn với quy định hiện hành trong trường hợp cá nhân kinh doanh có trụ sở tại tỉnh khác. Điều này cũng gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho các sàn TMĐT và cá nhân kinh doanh trong việc chứng minh với cơ quan thuế tại địa phương về số thuế đã khấu trừ, nộp thay.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số chuyên gia đề xuất giải pháp yêu cầu sàn TMĐT cung cấp thông tin, doanh thu của người bán cho cơ quan thuế. Điều này giúp cơ quan thuế có thể tự xác định và thu thuế từ người bán mà không cần phải yêu cầu sàn TMĐT trực tiếp thu thuế. Việc báo cáo thông tin định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu được coi là giải pháp an toàn cho cả 2 phía vì lý do an toàn hệ thống, hạn chế rủi ro sập máy chủ, nghẽn mạng, mất dữ liệu…, đồng thời không cần thiết phải đầu tư lớn chỉ để kết nối trực tuyến với cơ quan thuế.

Chuyên đề