Thúc đẩy tín dụng và bài toán kiểm soát rủi ro nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nợ xấu có dấu hiệu đi lên và được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì thế, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện quy định về gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, cần có những giải pháp kiểm soát rủi ro liên thông giữa các thị trường ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm để giảm áp lực nợ xấu trong thời gian tới.
Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3% trong năm 2024. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3% trong năm 2024. Ảnh: Lê Tiên

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây cho thấy, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng trong đầu năm nay. Cụ thể, đến cuối tháng 1/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,79%, tăng nhẹ so với mức 4,55% cuối năm 2023. Trong tháng 1/2024, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 27,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Nợ xấu đang là vấn đề thu hút sự quan tâm tại đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên của các ngân hàng thương mại. Tại ĐHCĐ thường niên ngày 15/4, Ngân hàng OCB không công bố tỷ lệ nợ xấu đến thời điểm hiện nay, song vẫn nêu rõ một trong những mục tiêu trong hoạt động năm nay là kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 3%. Trước đó, kết thúc năm 2023, nợ xấu của ngân hàng này khoảng 2,8%.

Tại ĐHCĐ mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 là 2,2% và hiện nay khoảng 2,4%; các biện pháp giảm nợ xấu đang được VIB thực thi. Tương tự, Ngân hàng ABBank cũng đặt kỳ vọng kiểm soát nợ xấu dưới 3% trong năm nay.

Với các ngân hàng niêm yết, theo thống kê của Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB (MBS), tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 của 27 ngân hàng niêm yết là 1,9%, giảm 30 điểm cơ bản so với mức đỉnh 2,2% tại cuối quý III/2023 nhưng vẫn tăng 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 (đạt 1,4%).

Theo MBS, trong năm 2024, việc thúc đẩy tín dụng bằng cách giảm lãi suất sẽ đẩy các ngân hàng thương mại (NHTM) vào trạng thái thiếu đi bộ đệm trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu phát sinh. Điều này sẽ diễn ra mạnh hơn tại nhóm NHTM cổ phần (NHTMCP) so với nhóm NHTM nhà nước (NHTMNN).

Nguyên nhân thứ nhất đến từ cơ cấu cho vay của nhóm NHTMNN được hỗ trợ nhiều từ nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhà nước với dòng tiền trả nợ và xếp hạng tín nhiệm cao hơn hẳn so với nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) hay khách hàng cá nhân. Nguyên nhân thứ hai là tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cuối năm 2023 của các NHTMNN và NHTMCP lần lượt là 188,9% và 61,1% - một sự chênh lệch rất lớn. Các con số cho thấy, nhóm NHTMCP không còn nhiều dư địa cho việc xử lý nợ xấu và điều này ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng này.

Các ngân hàng sẽ tăng cường trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu để đưa tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với cả năm 2023

Các ngân hàng sẽ tăng cường trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu để đưa tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với cả năm 2023

Do đó, MBS dự đoán tỷ lệ nợ xấu toàn ngành sẽ tăng nhẹ 10 - 20 điểm cơ bản trong 6 tháng đầu năm 2024 dưới tác động của tăng trưởng tín dụng thấp. Đối với cả năm 2024, với kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan, MBS cho rằng các ngân hàng sẽ tăng cường trích lập và xử lý nợ xấu để đưa tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với cả năm 2023. Ngoài ra, NHNN sẽ cân nhắc gia hạn thêm Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết 31/12/2024. Việc gia hạn giúp các ngân hàng có thêm thời gian xử lý những khoản nợ tồn đọng, đặc biệt là nhóm NHTMCP có quy mô nhỏ vì tỷ lệ nợ tái cơ cấu tại cuối năm 2023 tại các ngân hàng lớn là không đáng kể

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn còn yếu, nợ xấu tăng khiến khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng của phía bên vay khó hơn, trong khi các tổ chức tín dụng thận trọng hơn, mặc dù lãi suất cho vay giảm. Tính đến cuối tháng 12/2023, tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ bán VAMC chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn) là trên 6%, nếu loại trừ nợ xấu của các ngân hàng kiểm soát đặc biệt thì là 3,36%.

“Trong thời gian tới, bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, gia hạn quy định về giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cần đẩy mạnh việc kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu. Đặc biệt, chú trọng kiểm soát rủi ro hệ thống từ sự liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản”, ông Lực nhấn mạnh.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, nền kinh tế đang tăng trưởng cao trở lại, thị trường bất động sản ấm lên là những yếu tố tích cực với việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu 4,79% tính đến cuối tháng 1/2024 đã vượt ngưỡng an toàn 3% theo định hướng mục tiêu của NHNN. Mặt khác, đây là tỷ lệ nợ xấu tính theo quy định của Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Nếu tính đúng và đủ thì tỷ lệ nợ xấu thực tế có thể vượt xa mức 4,79%.

Ở khía cạnh khác, theo ông Huân, việc NHNN trình Chính phủ kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến cuối năm 2024 là cần thiết để giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng, từ đó góp phần vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, quy định này đã được thực thi từ năm 2020 đến nay, dẫn đến tình trạng nợ xấu chưa bộc lộ hết. Do đó, cần công bố con số nợ xấu thực tế bên cạnh tỷ lệ nợ xấu được tính theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN để cộng đồng nhà đầu tư cùng giám sát và biết được liệu ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ cho con số nợ xấu thực tế hay chưa. Điều này rất quan trọng với các quyết định của nhà đầu tư và an toàn của hệ thống.

“Bên cạnh việc tích cực đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cần kiểm soát chặt chẽ rủi ro nợ xấu của ngân hàng trong thời gian tới”, ông Huân khuyến nghị.

Chuyên đề