Thủ tục cấp phép xây dựng sắp hết nhiêu khê?

(BĐT) - Bộ Xây dựng đang đề xuất nhiều phương án đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Động thái tích cực này nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng DN.
Bộ Xây dựng đã giảm từ 93 thủ tục hành chính xuống còn 46 thủ tục trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh: Nhã Chi
Bộ Xây dựng đã giảm từ 93 thủ tục hành chính xuống còn 46 thủ tục trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh: Nhã Chi

Cải thiện nhưng vẫn… tốn nhiều ngày

Theo Báo cáo Doing Business 2016 của Ngân hàng Thế giới, trong số 10 chỉ số môi trường kinh doanh, chỉ số cấp phép xây dựng của Việt Nam được đánh giá cao nhất với xếp hạng có cải thiện. Tuy nhiên, thời gian thực hiện các thủ tục vẫn còn dài, thậm chí kéo dài thêm 52 ngày (từ 114 ngày lên 166 ngày). Trong khi đó, thời gian thực hiện của hầu hết các chỉ số khác được ghi nhận giảm.

Thừa nhận thực trạng nêu trên, bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Xây dựng cho rằng, chỉ tiêu cấp phép xây dựng của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể qua các năm, từ thứ hạng 157/183 nền kinh tế vào năm 2011 tăng lên thứ hạng 29/189 nền kinh tế vào năm 2014. Đến nay, Việt Nam đã đạt thứ hạng 24/190 nền kinh tế (theo Doing Business 2017). Trong những năm vừa qua, chỉ số cấp phép xây dựng của Việt Nam luôn đứng thứ 3 trong các nước ASEAN, chỉ xếp sau Singapore và Malaysia (cao hơn Thái Lan và Philippines trong nhóm ASEAN 4). Dù vậy, thời gian thực hiện thủ tục này của Việt Nam vẫn là 166 ngày, trong khi trung bình các nước ASEAN 4 là 82 ngày. 

Tiếp tục cắt giảm

Tại Tọa đàm Kiên quyết cắt giảm các điều kiện kinh doanh “trói” DN diễn ra ngày 18/10, bà Tống Thị Hạnh cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã cắt giảm từ 93 thủ tục hành chính xuống còn 46 thủ tục (đạt 51%) trong lĩnh vực xây dựng. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính vì thế đã giảm 25% so với trước đây. Hiện Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, bãi bỏ hoặc thay thế bằng hình thức quản lý khác đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không đáp ứng tiêu chí tại Điều 7 của Luật Đầu tư vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội… Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đáp ứng tiêu chí tại Điều 7 của Luật Đầu tư, sẽ đề xuất phương án đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN.

Bà Hạnh cũng cho biết, mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, báo cáo Chính phủ. Hiện Dự thảo Nghị định đang được hoàn thiện, dự kiến trình Chính phủ trong quý IV/2017.

Ngoài ra, Bộ đang dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp nhằm mục tiêu rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Dự kiến, chỉ thị này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2017.

Cũng theo bà Hạnh, pháp luật về xây dựng hiện hành đã có những quy định nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về cấp phép xây dựng, trong đó có thủ tục thẩm định về xây dựng, thẩm định về phòng cháy chữa cháy, thẩm duyệt về môi trường.

Theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì khi tiếp nhận hồ sơ thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, cơ quan đầu mối thẩm định, cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm tổ chức thẩm định; đồng thời lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan theo cơ chế một cửa liên thông, không gửi nhiều đầu mối cũng như thực hiện riêng từng thủ tục như trước đây. Do đó, thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, thỏa thuận về cấp điện, cấp nước và ý kiến của các ngành có liên quan đến dự án được thực hiện đồng thời với quá trình thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện quy định này trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do có sự khác nhau giữa các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Chuyên đề