Thứ trưởng Bộ Công Thương: Bám sát hoạt động của Lọc dầu Nghi Sơn, thực hiện mọi giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm 35 - 40% thị phần xăng dầu trong nước nhưng việc cung cấp lại không ổn định. Mỗi năm, Nhà máy tạm dừng hoạt động 35 - 40 ngày để sửa chữa, chưa kể trục trặc kỹ thuật như vừa qua..., trong khi chúng ta phải thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm. Vì thế, Bộ Công Thương hàng ngày, hàng giờ phải bám sát quá trình hoạt động của Nhà máy để có giải pháp ứng phó tốt nhất, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường”.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 18/5, trước câu hỏi của báo chí về mối lo đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước khi mới đây, nhà máy này có văn bản nêu tình trạng khẩn cấp về tài chính, có nguy cơ dừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc cung cấp xăng dầu cho thị trường.

Thông tin cụ thể về tình hình hoạt động của Nhà máy, ông Trần Thanh Tùng - Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than thuộc Bộ Công Thương cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, Nhà máy đã sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại.

“Hiện tại, Nhà máy vận hành vẫn ổn định. Theo kế hoạch, trong tháng 6 và quý III, quý IV, Nhà máy sẽ triển khai công tác vận hành sản xuất đã đăng ký với Bộ Công Thương”, ông Tùng cho biết.

Ông Trần Thanh Tùng - Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than thuộc Bộ Công Thương thông tin về tình hình hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Ông Trần Thanh Tùng - Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than thuộc Bộ Công Thương thông tin về tình hình hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Đề cập về khó khăn liên quan đến dòng tiền của Nhà máy, ông Tùng cho biết, ngày 19/4, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Liên doanh nhà đầu tư nhà máy này và các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào dự án cùng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) về vấn đề tái cấu trúc Nhà máy.

Theo đó, Bộ khẳng định việc tái cấu trúc tài chính, bộ máy và vận hành Nhà máy an toàn, ổn định là vấn đề “nội bộ” của doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm giải quyết của Nghi Sơn và các bên tham gia tham gia góp vốn trên cơ sở cam kết tại các thỏa thuận liên doanh, các tài liệu của dự án và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các vấn đề thuộc thẩm quyền của PVN cần báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước xem xét, chỉ đạo.

“Bộ Công Thương khẳng định, doanh nghiệp cần tích cực, chủ động phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo Nhà máy hoạt động hiệu quả, cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường”, đại diện Vụ Dầu khí và Than cho hay.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Nhà máy do Liên doanh giữa PVN và các đối tác nước ngoài đầu tư, phía doanh nghiệp Việt Nam góp vốn 25,1%. Vì vậy, tiếng nói của PVN trong liên doanh này cũng “chỉ có mức độ”.

Theo đó, việc giải quyết vấn đề liên quan của Nhà máy là vấn đề nội bộ doanh nghiệp. Các đơn vị khác chỉ tham gia theo đúng quy định, thỏa thuận các bên cam kết. Do đó, đây là một trong những “điểm khó” trong vấn đề giải quyết khó khăn của Nhà máy.

“Bộ Công Thương thực hiện mọi giải pháp để đảm bảo nguồn cung với việc bám sát nhà máy này, xem hằng ngày, hằng giờ có gặp vấn đề gì không”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều diễn biến khó lường, Bộ sẽ quyết liệt bám sát, thực hiện các giải pháp để đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư