Thống nhất kéo dài Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu đến năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Ảnh: Tiên Giang
Theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Ảnh: Tiên Giang

Báo cáo tại Phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết 42 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả quan trọng. Nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%.

Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Luật Xử lý nợ xấu của các TCTD trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết 42. Trong thời gian chờ xây dựng Luật, để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành (từ 15/8/2022), Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 trong giai đoạn 2022 - 2024.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của UBTVQH để tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 và dự thảo Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.

Về hình thức, UBTVQH thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 đến ngày 31/12/2023.

Chuyên đề