Thời gian trung vị đăng ký doanh nghiệp giảm một nửa trong 6 năm qua

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đánh giá về mức độ chuyển biến của một số lĩnh vực trong Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020, Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam – Góc nhìn từ DN do VCCI phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) thực hiện thông qua Chương trình Aus4Reform được công bố sáng 20/4 cho thấy, chỉ số khởi sự kinh doanh và đăng ký thành lập DN tiếp tục dẫn đầu với 72,5% doanh nghiệp đánh giá là có cải thiện tốt trên cả nước.
Thời gian trung vị đăng ký doanh nghiệp giảm một nửa trong 6 năm qua

Theo bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cải cách điều kiện kinh doanh là một trong lĩnh vực cải cách vượt trội trong 5 năm qua. Chỉ trong 3 năm 2017-2019, hơn 3.000 điều kiện kinh doanh (trong tổng số khoảng 6.000 điều kiện) đã được cắt bỏ, đơn giản hóa; quy định về điều kiện kinh doanh minh bạch và thực chất hơn.

Đại diện nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, đăng ký thành lập DN luôn là thủ tục được đánh giá cao với kết quả cải thiện đáng khích lệ: thời gian trung vị để DN làm các thủ tục đăng ký hoặc thay đổi nội dung đăng ký DN giảm một nửa trong 6 năm qua. Dù vậy, thời gian đăng ký DN năm 2020 bị kéo dài hơn so với năm 2019.

Tuy nhiên, thứ hạng của chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam theo Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing business) của Ngân hàng Thế giới vẫn thấp, do các quy định về khởi sự DN chưa phù hợp, nhiều thủ tục, chưa có sự liên thông.

Theo dự kiến của ông Tuấn, chỉ số này sẽ tiếp tục tăng hạng bởi một số quy định được ban hành gần đây. Đó là Nghị định 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 về quy trình liên thông giữa các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, khai trình lao động, cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội, thủ tục về hóa đơn chứng từ; tích hợp 3 quy trình thành lập DN. Theo quy định mới này, DN sẽ chỉ phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ, kê khai 1 biểu mẫu, thực hiện tại 1 cơ quan và nhận 1 kết quả thống nhất, rút ngắn được tối đa thời gian gia nhập thị trường của DN (trong 3 ngày – đúng thời hạn cấp Giấy chứng nhận DN theo quy định tại Luật DN), việc đề nghị mua hóa đơn vẫn thực hiện tại cơ quan thuế trong thời hạn 2 ngày. Như vậy quy định tại Nghị định này đã rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục khởi sự kinh doanh khi gia nhập thị trường.

Tiếp đó là Nghị định 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 quy định miễn lệ phí môn bài trong năm đầu với các DN, hộ kinh doanh mới thành lập (sửa đổi Nghị định số 139/2016/NĐ-CP theo hướng bổ sung đối tượng được miễn lệ phí môn bài, gồm các DN, hộ kinh doanh mới thành lập. Nếu như trước đây, bất kỳ chủ thể kinh doanh nào gia nhập thị trường đều phải đóng lệ phí môn bài và đây là mức phí được đóng hàng năm, thì theo quy định của Nghị định mới này, trong năm đầu tổ chưc, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra hoạt động kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ không phải đống lệ phí môn bài. Việc miễn đóng lệ phí môn bài trong năm đầu kinh doanh sẽ tạo thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh khi gia nhập thị trường.

“Việc ban hành các Nghị định trên đã thể hiện nỗ lực rất đáng ghi nhận của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy các DN khởi nghiệp. Cách tiếp cận này dự báo sẽ đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy tăng hạng của Việt Nam về chỉ số gia nhập thị trường trong Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) trong thời gian tới”, Báo cáo nhận định.

Về chất lượng thủ tục đăng ký DN, nhìn chung các chỉ số (thủ tục tại bộ phận Một cửa được niêm yết công khai; Hướng dẫn thủ tục rõ ràng, đầy đủ; Cán bộ am hiểu chuyên môn; Cán bộ nhiệt tình, thân thiện) đều tăng điểm. Tuy nhiên, nhóm các tỉnh có điểm thấp nhất lại ghi nhận việc giảm điểm mạnh ở chỉ số về thủ tục tại bộ phận "một cửa" được niêm yết công khai và chỉ số "cán bộ" nhiệt tình, thân thiện.

Về hình thức thực hiện, năm nay chứng kiến sự gia tăng việc sử dụng các biện pháp làm thủ tục hành chính (TTHC) không tiếp xúc như bưu điện và trực tuyến (có địa phương lên đến 92%). Tuy nhiên, khả năng hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin ở địa phương chưa đáp ứng được (trung bình có 36,67% DN hài lòng; tỉnh cao nhất cũng chỉ có 40%, tỉnh thấp nhất hơn 3%). Có DN đã phản ánh về tình trạng hướng dẫn hồ sơ chưa chi tiết, khiến DN phải tự tra cứu, tìm hiểu, hồ sơ trả qua bưu điện mất nhiều thời gian khi thực hiện thủ tục đăng ký DN với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội qua Cổng đăng ký DN quốc gia.

Chuyên đề