Ảnh minh họa: Internet |
Niềm tin từ chính sách pháp lý và hạ tầng
Đầu tiên có thể kể đến là ngày 14/8/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Công văn 6385/NHNN/CSTT về giảm lãi suất cho vay, trong đó yêu cầu giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tiếp đó, ngày 18/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 749/CĐ-TTg về việc chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.
Sau đó không lâu, ngày 23/8/2023, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN về việc ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNN đối với khách hàng (đã được bổ sung tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023).
Đối với các tỉnh, thành phía Nam, ngày 7/8/2023, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 3279/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Cần Giờ.
Ngày 14/8/2023, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định 32/2023/QĐ-UBND, quy định tiêu chuẩn, điều kiện và trình tự thủ tục giải quyết tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Ngày 18/9/2023, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 28/2023/QĐ-UBND quy định đơn giá xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể trên địa bàn Tỉnh.
Ngày 19/9/2023, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Quyết định 44/2023/QĐ-UBND, quy định về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, các quyết định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, khiến thị trường ở phía Nam - nơi có nhiều vấn đề liên quan đến chính sách và pháp lý ách tắc - đang từng bước "tháo" nhiều nút thắt, giúp khách hàng và giới đầu tư quay lại tìm kiếm cơ hội mới.
Cùng với những tín hiệu tích cực trên, một loạt dự án hạ tầng giao thông nổi bật khởi công trong quý III/2023 đã tạo một cú hích mới cho thị trường địa ốc phía Nam.
Trong số này, điển hình là việc TP.HCM khởi công Gói thầu nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất; cầu Long Kiểng chính thức thông xe sau 22 năm; thông xe một phần đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; thông xe cầu Vàm Sát 2 vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng.
Tương tự, Đồng Nai đã khởi công 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành trị giá khoảng 2,630 tỷ đồng; đầu tư 8.000 tỷ đồng mở đường ĐT.770B đi qua nhiều huyện kết nối sân bay Long Thành.
Riêng Bình Dương, đầu tư 7.000 tỷ đồng làm 16 km phố đi bộ ven sông Sài Gòn; còn Long An thì đẩy nhanh tiến độ thi công đường ĐT.823D, vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng.
Sức cầu chung toàn thị trường có tín hiệu khởi sắc
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Group cho biết, trong quý vừa qua, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận tăng nhẹ về nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ so với quý trước ở một số phân khúc, nhất là căn hộ. Sức cầu chung toàn thị trường có tín hiệu khởi sắc so với quý II/2023.
Dự báo quý IV/2023, thị trường có những tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên khó đột biến trong ngắn hạn. Trong đó, động thái giảm lãi suất ngân hàng và tháo gỡ vướng mắc từ Nhà nước về chính sách pháp lý… kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ hồi phục cho thị trường bất động sản trong trung và dài hạn.
Cụ thể, nguồn cung phân khúc đất nền trong quý IV có thể tăng nhẹ so với quý III, dao động ở mức 350 - 420 nền, tập trung chủ yếu tại các vùng phụ cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới quý IV tại TP.HCM dao động từ 1.200 - 1.600 căn, Bình Dương khoảng 700 - 900 căn, Đồng Nai khoảng 200 căn và Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 150 căn mở bán mới. Phân khúc căn hộ hạng A giữ vững vị thế chủ đạo tại TP.HCM, trong khi đó căn hộ hạng B và C dẫn dắt nguồn cung mới tại các tỉnh giáp ranh.
Nguồn cung mới và sức cầu phân khúc nhà phố/biệt thự quý IV có xu hướng tăng so với quý III, dao động khoảng 350 - 450 căn, tập trung chủ yếu ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM.
Những năm qua, do ở TP.HCM ít có dự án được tung ra thị trường nên đa phần các chủ đầu tư triển khai dự án ở những vùng phụ cận. Cho nên, việc phát triển hạ tầng để kết nối liên vùng, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa TP.HCM và các địa phương sẽ giúp cho khách hàng bớt ngần ngại đi mua nhà để ở hoặc đầu tư.
Đặc biệt, động thái giảm lãi suất cho vay của ngân hàng gần đây đã thúc đẩy khách hàng quay trở lại sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nhà ở thực hoặc đầu tư. Bởi, theo quy luật, khi thị trường trầm lắng cũng chính là lúc mở ra nhiều cơ hội cho khách hàng vì dễ mua được sản phẩm với giá phải chăng và có nhiều ưu đãi.