Ở thời điểm này, nhu cầu bất động sản vẫn rất lớn và những người thực sự có nhu cầu có thể mua được nhà ở với giá tốt. Ảnh: Lê Tiên |
Cơ hội cho người mua nhà
Hiệp hội BĐS Việt Nam (VnREA) từng cung cấp số liệu về tình hình đầu tư, kinh doanh BĐS trong năm 2019 của các doanh nghiệp thành viên. Trong đó, nổi lên vấn đề sụt giảm mạnh nguồn cung mới từ các dự án tại đô thị lớn.
Khi những tồn tại của thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2019 chưa được giải quyết triệt để, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tạo ra những thách thức mới đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, thị trường BĐS Việt Nam nói riêng. Từ lượng dự án ra hàng mới, chất lượng/tần suất giao dịch, hoạt động kinh doanh dịch vụ BĐS..., tất cả đều ảm đạm, thiếu sức sống.
Theo CBRE Việt Nam, khi dịch bệnh bùng phát, các chủ đầu tư cũng như công ty môi giới BĐS buộc phải tạm hoãn lại các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người. Song khi dịch bệnh được khống chế, khả năng các chủ đầu tư sẽ đẩy sản phẩm ra cùng một lúc, điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong nửa cuối năm nay. Sức mua được cải thiện một khi dịch bệnh được ngăn chặn và làn sóng đầu tư mạnh mẽ quay lại thị trường…
Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định thận trọng: “Trước mắt, Covid-19 đang khiến thị trường chững lại bởi BĐS không như hàng hóa thông thường, có thể mua nhanh bán nhanh, mua online…, mà cần có sự tư vấn kỹ càng của bên bán hàng cũng như các đơn vị tư vấn, trong khi hiện nay do gấp rút phòng chống dịch, những hoạt động này không thể triển khai. Nhưng về lâu dài, thị trường ổn định”.
Đồng quan điểm, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận theo hướng tích cực cho người tiêu dùng: “Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 mấy ngày qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có BĐS. Chỉ những người thực sự có nhu cầu về nhà ở mới bỏ tiền ra mua BĐS lúc này, còn giới đầu tư thì nhiều khả năng chưa thể xuống tiền. Tuy nhiên, theo nhận định của cá nhân tôi cũng như một số chuyên gia thì ảnh hưởng của dịch bệnh lần này không tạo ra mối nguy hiểm quá lớn cho thị trường BĐS... Thậm chí, nếu nhìn ở góc độ tích cực, nhiều người sẽ mua được nhà nhờ giá bán có thể được điều chỉnh giảm. Đó cũng là một điểm tốt cho thị trường”.
Về phần mình, ông Dương Đức Hiển, nguyên Giám đốc Kinh doanh nhà ở Savills, đã bày tỏ sự lạc quan nhất định. Đối với BĐS thì nhu cầu ở vẫn rất lớn và mức ảnh hưởng của Covid-19 có thể gián tiếp hơn. Hơn thế, tại thị trường đang phát triển như Việt Nam, có thể xảy ra khủng hoảng cục bộ ở một vài địa phương chứ không xảy ra trên diện rộng cả nước.
Dẫn chứng bằng Dự án The Matrix One (tại Mễ Trì, Hà Nội), mặc dù thanh khoản đang ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng số lượng người quan tâm, đặt cọc hay xin tư vấn online vẫn khá lớn vì Dự án có vị trí đắc địa, mật độ dân cư thấp cùng nhiều tiện ích vượt trội, ông Hiển cho biết.
Cơ hội tái cấu trúc trong 6 tháng cuối năm
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một đại diện của CenGroup cho biết, áp lực khó khăn về thanh khoản, nguồn hàng mới (đủ điều kiện pháp lý) của giới chủ đầu tư tại địa bàn Hà Nội cũng gián tiếp đẩy các đơn vị kinh doanh dịch vụ BĐS vào thế nan giải, tìm phương án hoạt động phù hợp.
Theo tìm hiểu, không ít chủ đầu tư BĐS đã phải áp dụng các hình thức “động viên”, hỗ trợ chia sẻ với các sàn, đơn vị môi giới nhằm duy trì hoạt động mở bán. Những đơn vị môi giới hùng hậu, có bề dày kinh nghiệm (như Đất Xanh Miền Bắc, CenLand, DKRA Việt Nam hay AVLand) đều hướng tới phương án thay thế các buổi mở bán trực tiếp (offline) bằng online qua mạng. Điều này, theo một đại diện doanh nghiệp tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), là để giảm bớt tối đa chi phí tổ chức (phù hợp với bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 nói chung và tâm lý e ngại của khách hàng nói riêng) và tạo dần thói quen tìm hiểu, được tư vấn và giao dịch online cho khách. Đồng thời, tái cơ cấu theo hướng tiết giảm chi phí, thậm chí cắt giảm tạm thời những nhân sự không cần thiết nhằm tối ưu hóa nguồn lực còn lại của doanh nghiệp.
Với giới chủ đầu tư, không ít trường hợp còn chấp nhận giãn/hoãn thời điểm mở bán (dù dự án nhà đất đã đủ điều kiện đưa sản phẩm vào kinh doanh) tới nửa cuối năm nay - trong kỳ vọng đại dịch Covid 19 được khống chế thành công và thị trường giao dịch phục hồi trở lại.
Ông Vũ Cương Quyết, lãnh đạo Đất Xanh Miền Bắc lưu ý, những dự án đã mở bán trước đó từ năm 2019 có lợi thế, bởi thông tin dự án đã được khách hàng tìm hiểu kỹ. Do tình hình dịch bệnh hiện diễn biến phức tạp, các sự kiện mở bán, tụ tập đông người của các sàn giao dịch đều phải dừng lại để phòng, chống dịch. Chính vì thế, phương án bán hàng từ xa, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ đang được nhiều sàn BĐS áp dụng mạnh mẽ.
Ở phân khúc căn hộ chung cư, một số dự án chung cư đã mở bán từ năm 2019 vẫn có giao dịch tốt như khu vực Hà Đông - Thanh Xuân có Skyline Văn Quán, Kiến Hưng Luxury, PCC1 Thanh Xuân… Khu vực Cầu Giấy, một số dự án cũng được người mua nhà ở thực sự quan tâm, giao dịch ổn định như Mipec Rubik 360, Golden Park, Goldmark City, The Park Home… hay dự án sắp ra mắt The Matrix One trên mặt đường Lê Quang Đạo, Mễ Trì cũng hút được quan tâm của khách hàng.