Thị trường bất động sản giảm giá mạnh vào cuối năm?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Giá bất động sản cuối năm nay dự báo sẽ giảm 30% nhưng không thể sụp đổ như năm 2008 với mức giảm 60 - 70%, sau đó thị trường sẽ phục hồi”.
Trong dài hạn, nếu các rủi ro và thách thức đối với thị trường địa ốc không được khắc phục, thì sự giảm giá trên thị trường, nhất là thị trường thứ cấp diễn biến rõ nét hơn. Ảnh: Bảo Tín
Trong dài hạn, nếu các rủi ro và thách thức đối với thị trường địa ốc không được khắc phục, thì sự giảm giá trên thị trường, nhất là thị trường thứ cấp diễn biến rõ nét hơn. Ảnh: Bảo Tín

Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia tại Hội thảo “Xu hướng thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2022” diễn ra mới đây ở Hà Nội.

Nhận định trên được dư luận rất quan tâm những ngày qua, đặc biệt là các chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án, khách hàng cũng như các chuyên gia kinh tế và bất động sản.

Thực tế không phải bây giờ mà từ nhiều tháng qua, sau những động thái kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng như việc chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản của Bộ Tài chính, thị trường bất động sản nói chung đã bị ảnh hưởng không hề nhỏ.

Theo Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, sau động thái Nhà nước kiểm soát vốn của các ngân hàng thương mại đưa vào thị trường bất động sản, thị trường này thực sự đã đi vào giai đoạn suy giảm. Các nhà đầu tư "lướt sóng" hiện đã chùn tay, còn nhà đầu tư cá nhân trung và dài hạn thì ngồi yên quan sát.

Mặc dù không đưa ra một con số dự báo cụ thể như TS. Lê Xuân Nghĩa, nhưng theo ông Đinh Thế Hiển, giá bất động sản giảm trong những tháng cuối năm 2022 là chuyện đương nhiên. Và, những ai có sẵn nguồn tiền tích lũy, không vay mượn sẽ mua được bất động sản giá tốt vào những tháng cuối năm này .

Ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA phân tích, khi dòng tiền bị bóp lại, các chủ đầu tư dự án bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn. Điều này cũng đồng nghĩa, sản phẩm bất động sản đưa ra thị trường trong thời gian tới sẽ không nhiều.

Riêng nhà đầu tư cá nhân, lạm phát và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính. Do đó, để giảm tải áp lực lãi vay, một số khách hàng chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để bán bất động sản với mức giá thấp hơn kỳ vọng, thậm chí bán “lỗ” trên dưới 15% để thu hồi vốn.

Nhà đầu tư cần xác định chiến lược đầu tư trung và dài hạn, tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn để sẵn sàng tâm thế cho sự biến động xấu về giá lẫn thanh khoản của thị trường. Ảnh: Bảo Tín

Nhà đầu tư cần xác định chiến lược đầu tư trung và dài hạn, tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn để sẵn sàng tâm thế cho sự biến động xấu về giá lẫn thanh khoản của thị trường. Ảnh: Bảo Tín

Không chỉ tín dụng ngân hàng đang được kiểm soát chặt chẽ, mà trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cũng bị siết lại. 6 tháng đầu năm 2022, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 180.000 tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản quý II tiếp tục suy giảm khi tổng số phát hành chỉ đạt 16 đợt (giảm 63% so với quý I), tương ứng gần 8.600 tỷ đồng, giảm đến 79% so với quý I.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, hiện nay, dòng tiền của thị trường bất động sản đến từ 4 nguồn chính là vốn tín dụng, trái phiếu, FDI và vốn từ khách hàng. Trong đó, hiện có đến 80 - 85% doanh nghiệp phải huy động vốn từ thị trường hay còn gọi là nguồn vốn tín dụng.

Tuy được xem là "bà đỡ" của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, nhưng việc "thắt chặt" tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả "thắt chặt" cho vay để mua bất động sản cao cấp, do đây là khoản vay có giá trị lớn, nên có thể sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Tổng hợp ý kiến từ các chuyên gia kinh tế và bất động sản cho thấy, trong dài hạn, nếu các rủi ro và thách thức đối với thị trường địa ốc không được khắc phục, thì sự giảm giá trên thị trường, nhất là thị trường thứ cấp diễn biến rõ nét hơn và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hồi phục của thị trường chung.

Do đó, giải pháp để kiểm soát tốc độ "lao dốc" của thị trường bất động sản là chú trọng ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và lãi suất ở mức phù hợp.

Đối với khách hàng và nhà đầu tư, cần xác định chiến lược đầu tư trung và dài hạn, tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn để sẵn sàng tâm thế cho sự biến động xấu về giá lẫn thanh khoản của thị trường.

Chuyên đề