Thị trường bất động sản cuối năm 2021: Khó có chuyển biến đột phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Xây dựng vừa phát đi thông cáo về tình hình thị trường bất động sản quý III/2021. Trong đó, Bộ nhận định thị trường bất động sản từ nay đến hết năm 2021 sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Bộ Xây dựng, ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch Covid 19 lần thứ 4 ở Việt Nam là rất nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề, trong đó bất động sản không phải là một ngoại lệ.

Hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh thành cũng phải tập trung chống dịch làm nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện.

Hoạt động giao dịch mua - bán bất động sản trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận…, trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, bởi lực cầu vẫn duy trì mạnh và sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bán hàng trong tình hình mới của các chủ đầu tư nên mặc dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng nhưng số lượng giao dịch có thể nói là tương đối tốt.

Từ đầu tháng 10/2021, nhiều thành phố lớn và nhiều địa phương trên cả nước hoàn thành cơ bản tiêm vắc-xin cho đối tượng từ 18 tuổi, cùng với việc sàng lọc cách ly người lây nhiễm Covid-19, tạo ra nhiều khu vùng xanh an toàn. Các địa phương gỡ dần các biện pháp hạn chế chống dịch đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới. Mặc dù vậy, thị trường bất động sản từ nay đến hết năm 2021 sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng.

Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.

Số lượng, giá giao dịch bất động sản quý III/2021:

- Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 11.615 giao dịch thành công (tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Dương, Hưng Yên), tổng lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 39% so với quý II/2021.

Giá rao bán căn hộ chung cư bình quân, đặc biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng và Khánh Hòa giảm khoảng 2 - 4% so với quý II. Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà rịa - Vũng Tàu, giá rao bán căn hộ chung cư có xu hướng tăng. Cụ thể, tại TP.HCM tăng khoảng 2%, Bình Dương là khoảng 4%, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 5%.

Giá rao bán nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương cơ bản giữ mức giá xác lập trong quý II, hoặc một số dự án có tăng nhưng không nhiều, khoảng 1 - 2%.

- Lượng giao dịch đất nền là 107.167 giao dịch thành, cụ thể, tại miền Bắc có 10.421 giao dịch, tại miền Trung có 31.380 giao dịch, tại miền Nam có 65.366 giao dịch.

Giá đất nền cơ bản không thay đổi so với quý trước. Tại khu vực miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội, giá đất nền vẫn ở ngưỡng cao, hầu như chưa giảm so với quý II. Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, thị trường đất nền có dấu hiệu giảm giá cục bộ ở một số dự án và khu vực tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh với mức giảm khoảng 5 - 7% so với tháng 5 (giai đoạn trước khi dịch bùng phát mạnh).

Chuyên đề