Việt Nam cần sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số với động lực chính từ khu vực tư nhân. Ảnh: Tiên Giang |
Vì vậy, đối với cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải có sự chuyển đổi bằng cách xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi dựa trên nhân tố đột phá là trí tuệ - con người và đổi mới sáng tạo, trên cơ sở phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và doanh nghiệp (DN).
Chung tay giữa Chính phủ và doanh nghiệp
Tại Hội thảo – Triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh diễn ra ngày 5/12 với chủ đề “Định hình & Phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các quốc gia trên thế giới tùy theo mức độ phát triển, thực tiễn của đất nước đều đã có những đối sách khác nhau nhằm tận dụng được xu thế của CMCN 4.0.
Ở Việt Nam, tuy chưa có chiến lược riêng về thúc đẩy CMCN 4.0 nhưng trong từng lĩnh vực liên quan đã có những định hướng chiến lược. Mặc dù đã đạt một số kết quả ban đầu tích cực nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự tiếp cận của chúng ta còn rời rạc, thiếu kết nối.
Do đó, nếu Việt Nam muốn chủ động tiếp cận để tăng tốc phát triển thì phải đồng sức, đồng lòng, huy động được nguồn lực toàn dân tộc. “Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi của Việt Nam dựa trên nhân tố đột phá là nguồn lực trí tuệ - con người và đổi mới sáng tạo, trên cơ sở sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và DN. Các DN tích cực chủ động hơn trong phối hợp với Chính phủ, chia sẻ với Chính phủ về nguồn lực để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.
Doanh nghiệp phải tiến lên phía trước
Trong điều kiện trình độ phát triển tại nhiều vùng miền còn khác nhau, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế trung ương cho rằng, phải có chiến lược riêng của CMCN 4.0 với thiết kế, lộ trình cụ thể, bước đi phù hợp, rõ ràng và khả thi. Trong đó, những ưu tiên quan trọng nhất là phải sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số với động lực chính từ khu vực tư nhân, hình thành đồng bộ hạ tầng số quốc gia. Ngoài ra, có chính sách đào tạo lại đối với các lao động, sớm xây dựng và có các cơ chế, chính sách cụ thể để thực thi hiệu quả chiến lược phát triển nhân lực công nghiệp đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.
Theo ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), dù Việt Nam đã lỡ nhịp cả 3 cuộc CMCN trước đây nhưng vẫn có thể bứt phá trong CMCN 4.0 và cần chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng điểm, trọng tâm là hệ sinh thái công nghệ thông minh dựa trên kết nối số. Đã đến thời điểm đòi hỏi sự nhập cuộc, dấn thân của cả cộng đồng để tự thay đổi và đẩy mình lên phía trước.
Trên cơ sở đó, để tận dụng tối đa lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực của CMCN 4.0 thì có 3 nhóm việc mà Việt Nam cần làm với tinh thần làm nhanh hơn và làm tốt hơn. Đó là, tiếp tục đầu tư nâng cao hạ tầng kết nối số bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; chủ động ứng phó và có giải pháp đối với mặt trái của CMCN số như tự động hóa và thay đổi mô hình kinh doanh gây xáo trộn, thay thế lao động ở quy mô lớn đặt ra thách thức về chuyển đổi, chuyển dịch lao động và an sinh xã hội…
Với vai trò của nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thông tin, VNPT định hướng trở thành nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng hàng đầu trong việc cung cấp nền tảng (kết nối, tính toán, lưu trữ, phân tích) và dịch vụ công nghệ cho xã hội cũng như chính quyền số. Ngoài ra, VNPT sẽ xây dựng hệ sinh thái mở các dịch vụ để phục vụ cho chuyển đổi số và đô thị thông minh.