Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet |
Dự báo sức ép lớn
Tại Diễn đàn CMCN 4.0 do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 11/4, tại Hà Nội, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cuộc CMCN 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát, là cơ hội quý báu mà Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, nếu không định hướng rõ ràng mục tiêu, cách tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển khoa học và công nghệ phù hợp thì sức ép đặt ra cho Việt Nam là rất lớn.
Đồng quan điểm này, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam là một dân tộc thông minh, rất nhạy bén với thời đại. CMCN 4.0 là một cơ hội lớn để kinh tế Việt Nam “nhảy vọt”, tuy nhiên thách thức từ cuộc cách mạng này không hề nhỏ. Theo ông Thiên, Việt Nam đã tiếp cận rất sớm với những xu hướng phát triển mới trên thế giới như: coi Cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt (1976); phát triển kinh tế tri thức (1996) hay việc sớm đề ra 2 quốc sách lớn gắn với trí tuệ con người là “Giáo dục đào tạo” và “Khoa học công nghệ”. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi.
Dưới góc độ nhìn nhận về mô hình tăng trưởng của Việt Nam, ông Trần Việt Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam đã duy trì trong một thời gian dài mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và nhân công giá rẻ, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở thu hút FDI và xuất khẩu trong những ngành thâm dụng lao động có kỹ năng thấp. Vì vậy, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, nếu không có những điều chỉnh phù hợp và kịp thời, nền công nghiệp sẽ phải chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng do mất đi các lợi thế cạnh tranh (lao động dồi dào, giá nhân công thấp), từ đó nguy cơ Việt Nam mất thị trường nội địa vào tay doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài là hoàn toàn có thể xảy ra.
Đánh giá tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chỉ ra nguy cơ nêu trên. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo công nghệ tự động hóa có thể thay thế đến 86% việc làm trong ngành dệt may của Việt Nam. Đó là chưa kể các thách thức về môi trường kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực… vẫn còn hiện hữu.
Giải pháp “không bỏ lỡ con tàu”
Để Việt Nam “không bỏ lỡ con tàu” CMCN 4.0, ông Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam muốn đón nhận thì phải đi trước một bước trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách thấu đáo những cơ hội, khó khăn, thách thức nhằm đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả. Đơn cử như có hệ thống quản trị thông minh (thể chế hiện đại, chính quyền hiệu quả, công khai, minh bạch); xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp...
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hồn cốt của CMCN 4.0 là công nghệ thông tin, do đó Việt Nam cần chủ động tiếp cận ngay bằng những hành động cụ thể để bứt phá thực sự về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, làm cho môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; quyết liệt đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, nhất là dạy nghề; có một số sản phẩm có cạnh tranh chiến lược ở tầm quốc gia.
Trong bối cảnh của CMCN 4.0, khi tri thức và khoa học công nghệ mới đã thay thế dần và giảm dần vai trò của các yếu tố đầu vào truyền thống (lao động, tài nguyên...), một số chuyên gia kinh tế kiến nghị phải xem xét lại mô hình tăng trưởng. Trong quá trình này, cần xác định lại những động lực chính của quá trình công nghiệp hoá.
Ở góc độ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), bà Louisse Chamberlain - Giám đốc UNDP Việt Nam cho rằng, CMCN 4.0 bao gồm một thay đổi lớn trong hệ thống toàn cầu, nhưng với các quốc gia đang phát triển, đây là một thách thức lớn về khả năng cạnh tranh. Nguy cơ nữa là khó đạt mục tiêu giảm đói nghèo và những tiến bộ trong bình đẳng hóa sẽ bị giảm sút. “Hành động sớm để giúp biến đổi nền kinh tế, các tổ chức kinh tế và hệ thống xã hội là cách duy nhất để một nền kinh tế có thể trở nên nổi trội với năng suất, tính bền vững và tính công bằng cao hơn trong dài hạn”, bà Louisse Chamberlain khuyến nghị.