Thắt chặt kỷ luật tài khóa

(BĐT) - Thực thi hiệu quả kỷ luật tài khóa nhằm đảm bảo cân đối thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) bền vững, góp phần làm giảm áp lực gia tăng nợ công nhưng đồng thời cũng cần tạo động lực và duy trì nguồn thu cho doanh nghiệp (DN) có khả năng tái đầu tư sản xuất.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đó là khuyến nghị của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) về thu chi NSNN cũng như chính sách tài khóa trong thời gian tới được đưa ra tại Báo cáo kinh tế vĩ mô 2015 vừa được công bố. 

Chi ngân sách nhà nước gia tăng

Theo số liệu thống kê của CIEM, trong cơ cấu thu NSNN quý IV/2015, thu trong nước chiếm 74,7% tổng thu NSNN. Tỷ lệ này thấp hơn so với mức 76,6% của quý I/2015, song cao hơn nhiều so với mức thu đạt 70,9% trong quý II/2015 và 74,4% trong quý III/2015. Tỷ trọng tương ứng của thu từ xuất nhập khẩu trong quý IV/2015 là 21,1%, cao hơn so với mức 18,1% trong 9 tháng đầu năm. Trong khi đó, thu từ dầu thô chỉ đóng góp 3,8% vào thu NSNN trong quý IV/2015, thấp hơn hẳn so với 9 tháng đầu năm (7,6%).

Tính chung cả năm 2015, thu NSNN đạt 989,7 nghìn tỷ đồng, vượt 8,6% so với dự toán, tăng tới 14,6% so với năm 2014.

Cần thận trọng hơn nhằm giảm tính chi phối đối với chính sách tiền tệ
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là thu NSNN dồn tương đối nhiều vào cuối năm 2015. Tính đến hết tháng 11/2015, thu NSNN mới đạt 860,1 nghìn tỷ đồng, tương đương với 94,4% dự toán. Con số tương ứng tại thời điểm cuối tháng 12/2015 mới là 927,5 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc CIEM, nguyên nhân khiến thu NSNN gặp khó khăn trong năm 2015 là do nhiều dòng thuế nhập khẩu tiếp tục cắt giảm theo cam kết trong các FTA của Việt Nam và do giá nhập khẩu giảm, đặc biệt là với dầu thô.

Cũng theo báo cáo của CIEM, tính đến cuối tháng 12/2015, tổng chi NSNN lũy kế (không tính chi trả nợ gốc) ước đạt 1.093,7 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy, mức chi ngân sách trong quý IV/2015 tăng nhanh so với các quý đầu năm. Chi NSNN ước đạt gần 324,0 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2015, bằng 28,2% dự toán.

Lý giải cho sự gia tăng này, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng có nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu do gia tăng nguồn lực cho chi NSNN từ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), tăng thu NSNN. Thứ hai là do giảm mức chi trả nợ gốc theo tính toán còn hơn 10,8 nghìn tỷ đồng so với mức 33,6 nghìn tỷ đồng trong quý III/2015. Nguyên nhân nữa theo ông Nguyễn Anh Dương còn là do thiếu kiểm soát chi thường xuyên, trong đó theo thống kê, riêng quý IV/2015 đạt 236,3 nghìn tỷ, trong khi con số cả năm là 878,8 nghìn tỷ đồng, vượt 13,1% so với dự toán.

Thực thi kỷ luật tài khóa

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, công tác điều hành NSNN trong năm 2015 cho thấy một số bài học cần đúc rút để nâng cao hiệu quả hoạt động thu chi ngân sách trong thời gian tới. “Việc triển khai các nhiệm vụ NSNN cần được thực hiện sớm từ đầu năm, tránh để dồn đến các tháng cuối năm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và kinh tế thế giới phục hồi chậm đòi hỏi Việt Nam phải nhìn nhận lại vai trò của các khoản thu từ dầu thô, thu từ xuất nhập khẩu. Tăng thu trong nước là một yêu cầu, song cần được giải trình minh bạch, hợp lý cả về tính cần thiết của khoản thu và về hiệu quả sử dụng NSNN từ khoản thu đó”, ông Nguyễn Đình Cung khuyến nghị.

Đặc biệt, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Thu NSNN cũng cần tính tới duy trì nguồn lực và động lực cho DN để tái đầu tư và/hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh. Có như vậy mới có thể đảm bảo duy trì nguồn thu bền vững cho ngân sách chứ không phải là tận thu một cách quá mức khiến DN không còn nguồn lực nào để phát triển”.

Trên cơ sở những tồn tại rút ra từ năm 2015, báo cáo CIEM đã đưa ra một số đề xuất về chính sách tài khóa nhằm cân đối thu chi ngân sách trong năm 2016 cũng như đảm bảo tính bền vững cho ngân sách gắn với duy trì nguồn lực phát triển cho DN trong những năm tiếp theo. Cụ thể, theo đề xuất của CIEM, trong năm 2016, hướng điều hành chính sách tài khóa cần thận trọng hơn nhằm giảm tính chi phối đối với chính sách tiền tệ. Cần tính đến tính bền vững của thâm hụt NSNN và nợ công, khả năng chèn lấn khu vực tư nhân, tính dễ tổn thương của các khoản thu chi NSNN trong điều kiện hội nhập, đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư