“Thắp lửa” cho khát vọng đổi mới, sáng tạo giá trị mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát biểu tại sự kiện khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở Hòa Lạc mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) mạnh mẽ hơn nữa, nghiên cứu cơ chế và cụ thể hóa các quy định trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST.
Với việc phát triển các ngành công nghiệp mới như bán dẫn, AI, hydrogen..., kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc, bứt phá và phát triển bền vững hơn trong tương lai
Với việc phát triển các ngành công nghiệp mới như bán dẫn, AI, hydrogen..., kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc, bứt phá và phát triển bền vững hơn trong tương lai

Thủ tướng cũng chỉ đạo việc liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước nhằm huy động tối đa các nguồn hỗ trợ tài chính, tri thức tham gia vào hoạt động ĐMST tại Việt Nam.

Quy tụ trí tuệ Việt cho phát triển đất nước

Tháng 10/2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc) chính thức khánh thành. Trung tâm được định hướng trở thành nơi hội tụ hệ sinh thái ĐMST tầm cỡ khu vực và thế giới, thu hút các đối tác, doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước đặt các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo..., từ đó, “hội tụ trí tuệ, lan tỏa lợi ích”, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chia sẻ, mong muốn xây dựng NIC thành “cái nôi” cho các hoạt động R&D, ĐMST của không chỉ Việt Nam, mà còn của khu vực và toàn cầu, sẽ góp phần quan trọng đưa Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Với việc phát triển các ngành công nghiệp mới nổi như: bán dẫn, AI, hydrogen..., kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc, bứt phá và phát triển bền vững hơn trong tương lai.

NIC là kết quả của ý tưởng được Bộ KH&ĐT nghiên cứu, đề xuất vào năm 2018, sau đó được thành lập vào ngày 2/10/2019 theo Quyết định số 1269/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ. NIC được kỳ vọng là nhân tố quan trọng giúp Việt Nam vượt qua thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nắm bắt cơ hội “ngàn năm có một” từ cuộc cách mạng này. Việc Chính phủ quyết định thành lập NIC, sau đó đưa NIC Hòa Lạc vào hoạt động không chỉ đánh dấu sự hình thành không gian ĐMST của quốc gia, mà còn tượng trưng cho quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ và ĐMST, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ cao, thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau hơn 4 năm thành lập, NIC đang từng bước trở thành đơn vị dẫn dắt hoạt động ĐMST ở Việt Nam. Nhiều DN khởi nghiệp đã và đang hội tụ tại đây như: Công ty TNHH Gene Friend Việt Nam; Trung tâm Không gian mạng Viettel; Công ty CP 3DP Việt Nam; Công ty CP BambuUp...

NIC hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo bằng nguồn lực tài chính từ các quỹ đầu tư cũng như các tổ chức quốc tế như: Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tập đoàn Google, Tập đoàn Meta, Do Ventures, Nextrans… Nhiều chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị và phát triển nguồn nhân lực đã được tổ chức.

Ý tưởng thành lập và đưa NIC vào hoạt động là một trong những nỗ lực của Bộ KH&ĐT trong việc khai mở những động lực, không gian phát triển mới của đất nước. Với mong muốn “hội tụ trí tuệ” Việt trên toàn cầu, năm 2018, Bộ KH&ĐT đã thành lập Mạng lưới ĐMST Việt Nam với 100 nhân tài trên khắp thế giới. Mạng lưới không ngừng lớn mạnh, đến nay có 8 mạng lưới thành phần, với hàng nghìn chuyên gia, nhà khoa học đã và đang góp sức thúc đẩy công cuộc ĐMST ở Việt Nam.

Góp sức hiện thực hóa khát vọng phát triển

Cảm nhận “ngọn lửa” khởi nghiệp, ĐMST đang “cháy” lên ở Việt Nam, TS. Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo VinAI thuộc Tập đoàn Vingroup, thành viên Mạng lưới ĐMST Việt Nam nhìn nhận: “Việt Nam đang bắt đầu viết nên những trang sử mới trong lĩnh vực AI, bán dẫn”. Ông Hưng chia sẻ, sau 5 năm thành lập, VinAI đã góp mặt vào danh sách khoảng 20 tổ chức trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ trên toàn cầu, sánh vai với các tổ chức ở Nhật Bản hay Hàn Quốc... Đến nay, VinAI đã công bố hàng trăm báo cáo nghiên cứu trên các tạp chí hàng đầu về AI...

Trong lĩnh vực khoa học y tế, Genetica - DN ngành giải mã gen ở Hoa Kỳ do TS. Cao Anh Tuấn đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành - đã quyết định lựa chọn Việt Nam làm cứ điểm phát triển, mở rộng thị trường quốc tế sau cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại San Francisco cuối năm 2018. TS. Cao Anh Tuấn nhớ lại, khi Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ngỏ lời mời các nhà khoa học trở về nước để lập nghiệp, ông cảm nhận rõ tâm thái cởi mở và ủng hộ của các cấp lãnh đạo Chính phủ trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ và ĐMST tại Việt Nam. Theo đó, Genetica quyết định đặt trụ sở chính vùng Đông Nam Á tại Việt Nam. “Kể từ khi đặt đại bản doanh tại NIC, đến nay, số người tham gia nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của Genetica đã tăng gấp nhiều lần”, ông Tuấn chia sẻ.

Cổ vũ, khích lệ hơn nữa “ngọn lửa” khởi nghiệp, ĐMST, Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NIC để thay thế Nghị định số 94/2020/NĐ-CP đã đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách vượt trội cho các DN thuộc 8 lĩnh vực ưu tiên sẽ được trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng được giao phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao để trình Chính phủ ban hành vào giữa năm nay, khơi thông dòng vốn cho lĩnh vực này...

Với hàng loạt nỗ lực thúc đẩy ĐMST, càng nỗ lực càng thấy cơ hội, “ngọn lửa” khởi nghiệp, ĐMST ở Việt Nam đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, hiện thực hóa một tầm nhìn đưa khoa học công nghệ, ĐMST thực sự trở thành động lực tăng trưởng mới.

Chuyên đề